Một người có được đứng tên 2 công ty hay không?

(có 1 đánh giá)

Cho mình hỏi mình là chủ sở hữu, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Hiện tại mình có nhu cầu góp vốn thành lập thêm một công ty cổ phần kinh doanh trong lĩnh vực khác thì liệu mình có được phép không và mình có được làm người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần này không?

1.    Một người có được góp vốn thành lập 2 công ty hay không?

Hiện tại theo pháp luật doanh nghiệp không có quy định cấm một cá nhân góp vốn thành lập nhiều công ty, trừ trường hợp quy định tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020:

“Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”

=>> Như vậy Luật Doanh nghiệp hiện hành chỉ hạn chế việc một người thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân góp vốn thành lập trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Vì vậy đối với trường hợp của mình là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên góp vốn thành lập một công ty cổ phần sẽ không thuộc trường hợp hạn chế nêu trên nên vẫn được phép thực hiện.

Một người có được đứng tên 2 công ty hay không?

Một người có được đứng tên 2 công ty hay không? (Hình từ Internet)

2.    Một người có được đứng tên làm người đại diện theo pháp luật 2 công ty hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ Luật dân sự 2015:

“Điều 141. Phạm vi đại diện

...

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Ngoài ra theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 có đề cập:

“Điều 12. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

...

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.”

=>> Như vậy pháp luật dân sự hiện hành cho phép một cá nhân có thể đại diện cho nhiều pháp nhân khác nhau, đồng thời pháp luật doanh nghiệp cũng chỉ đề cập một công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng không cấm việc một người đồng thời là người đại diện theo pháp luật của nhiều công ty.

Vì vậy trong trường hợp này của mình thì được phép là người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.

3.Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020:

“Điều 13. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.”

=>> Theo đó một người làm người đại diện theo pháp luật cho nhiều công ty thì vẫn phải đảm bảo hoàn thành đúng trách nhiệm nêu trên với mỗi công ty, và đồng thời phải thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

(có 1 đánh giá)
Trần Đăng Khoa
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.070