Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện như thế nào?

(có 1 đánh giá)

Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện như thế nào? Hồ sơ gồm những gì và trường hợp nào thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định hiện hành? Câu hỏi của anh A (Huế).

Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện như thế nào?

Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)

Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gồm những gì?

Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được chia làm hai trường hợp như sau:

Trường hợp 01: Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Hồ sơ gồm có các tài liệu được nêu tại khoản 1 Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012, cụ thể gồm:

- Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu TP-LS-01 ban hành kèm theo Thông tư 05/2021/TT-BTP;

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư (Hình từ Internet)

Tải về

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Giấy chứng nhận sức khỏe;

- Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

Trường hợp 02: Người được miễn tập sự hành nghề luật sư

Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

Hồ sơ gồm có các tài liệu nêu tại khoản 1 Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012, cụ thể gồm:

- Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu TP-LS-01 ban hành kèm theoThông tư 05/2021/TT-BTP;

Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư: Tải về

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Giấy chứng nhận sức khỏe;

- Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật, trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật;

- Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Luật sư.

Trình tự cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được giải quyết ra sao?

Trình tự cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012, gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ như mục (2).

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.

Bước 3: Cấp, từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật.

Đối tượng nào không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư?

Người thuộc một trong những trường hợp được nêu tại khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:

- Không đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;

- Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Không thường trú tại Việt Nam;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích;

- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Những người quy định tại điểm b khoản này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.102