Bán hàng giả hàng nhái bị xử lý như thế nào?

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Mới đây tổng cục quản lý thị trường và công an tỉnh Nam Định đã đột nhập triệt phá kho hàng lậu 500m2 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định gây xôn xao dư luận. Vậy, chủ kho hàng, những người kinh doanh buôn bán hàng lậu sẽ bị xử lý ra sao theo định của pháp luật?

Tóm tắt vụ việc

Theo đó, ngày 17/3, Tổng cục QLTT chỉ đạo Tổ 368 phối hợp với Cục QLTT Nam Định và PC 03, Công an tỉnh Nam Định ập vào kho tàng trữ hàng hóa giả các nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) cho biết, kho hàng giả này rộng khoảng 500m2, thời điểm kiểm tra phát hiện hàng nghìn sản phẩm túi xách thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Ước tính giá trị kho hàng tại thời điểm phát hiện lên đến 6 tỷ đồng.

Kho hàng trên vi phạm gì?

Tại điểm đ, khoản 7 điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng giả gồm:

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

Về những sản phẩm hàng nhái được phát hiện tại kho hàng Theo đại diện chủ thể quyền Hermès, Công ty TNHH Quốc Tế Tam Sơn là nhà nhập khẩu và phân phối chính thức của Hermès tại Việt Nam.

Theo đó, chỉ có 2 cửa hàng Hermès có địa chỉ tại Khách sạn Sofitel Metropole – 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội và Cửa hàng LPH tại Tầng 1 Vincom Eden A 171 Đồng Khởi, Quận 1, TPHCM được phép sử dụng nhãn hiệu “HERMÈS” trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm túi xách do Hermes International sản xuất.

Vậy nên kho hàng trên đã có hành vi buôn bán giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa và phải chịu trách nhiệu trước pháp luật.

Xử phạt hành chính với hành vi buôn bán hàng giả mạo

Điều 11 nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng “trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Ngoài ra còn buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định. Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán hàng giả hàng nhái

Nếu hành vi của chủ thể buôn bán hàng giả đủ cấu thành tội phạm, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về mức phạt tù đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái như sau:

Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả)

Pháp luật quy định mức phạt cao nhất cho tội danh này là phạt tù từ 07 – 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hiện tại vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.436