Các loại vạch kẻ đường phổ biến ở Việt Nam

(có 2 đánh giá)

Trong quá trình tham gia giao thông đường bộ chúng ta rất dễ bắt gặp những hình ảnh vạch kẻ đường màu vàng, màu trắng nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của các loại vạch này. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giải mã những vạch kẻ trắng vàng trên đường bộ Việt Nam để quý vị nắm rõ hơn về luật giao thông đường bộ nhé.

>> 06 mức xử phạt vi phạm giao thông mới từ năm 2022

>> Mức phạt 7 lỗi vi phạm giao thông thường gặp với xe máy

Vậy vạch kẻ đường là gì?

Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu giúp hướng dẫn, điều hướng giao thông nhằm mục đích nâng cao an toàn và khả năng thông xe. Bên cạnh các nhiệm vụ độc lập, vạch kẻ đường còn kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông.

 - Về màu sắc, có 2 dạng vạch kẻ đường chính là: vạch kẻ đường màu vàng và vạch kẻ đường màu trắng.

 - Về hình dạng, tùy theo nhiệm vụ, vạch kẻ đường có thể được thể hiện dưới dạng nét liền hoặc nét đứt, tạo thành hình con thoi, mắt võng, xương cá chữ V...

Ý nghĩa của các vạch kẻ đường trên đường giao thông

1. Một là Vạch trắng nét đứt

Đây là loại vạch kẻ đường phổ biến nhất. Vạch này có tác dụng dùng để phân chia các làn xe khi di chuyển cùng chiều với nhau. Trong quá trình lưu thông, khi nhìn thấy loại vạch này, các xe có quyền được phép chuyển làn đường qua vạch, tuy nhiên cần phải phải nhanh chóng chuyển làn hoàn tất trước khi tới vạch dừng xe.

2. Hai là Vạch trắng nét liền

Vạch này có dạng kẻ đơn, nét liền, màu trắng cũng dùng để phân chia các làn xe cùng chiều như vạch trắng nét đứt. Tuy nhiên khi nhìn thấy loại vạch này các loại xe không được phép chuyển làn, lấn làn xe khác hay đè lên vạch kẻ đường trong suốt quá trình lưu thông. Nói chung mọi người cứ nhớ cho dễ phân biệt là nét đứt thì có khoảng trống để quý vị chuyển làn còn vạch trắng nét liền là “phong ấn” rồi quý vị chuyển làn ở đây là bị phạt như chơi á nha.

3. Ba là Vạch vàng nét đứt

Vạch vàng nét đứt sẽ xuất hiện ở những đoạn đường có từ 2 làn xe trở lên và không được trang bị dải phân cách thông thường.

Loại vạch này có tác dụng phân chia các đoạn đường xe ngược chiều nhau. Trong đó, các loại xe có quyền được cắt qua để đi ở làn đường ngược lại trong cả hai phía.

4. Bốn là vạch vàng nét liền

Khi tham gia giao thông đường bộ các “bác tài” nhớ chú ý cẩn thận khi gặp vàng vàng nét liền nha vì đây là loại vạch được thay đổi để đồng bộ Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc Gia trong báo hiệu đường bộ.

Vạch vàng nét liền thường xuất hiện tại những cung đường khuất tầm nhìn và hay xảy ra tai nạn. Nó có tác dụng nghiêm cấm các loại xe không được phép lấn làn và đè vạch trong khi lưu thông nhằm tránh gây ảnh hưởng đến các hoạt động vận chuyển trên đường.

5. Năm là hai vạch vàng song song

Hai vạch vàng song song thường xuất hiện trên những đoạn đường có từ 4 làn xe trở lên nhằm mục đích phân chia các làn đường cho xe chạy.

Về đặc điểm, loại vạch này gồm 2 loại là một vạch nét đứt – một vạch liền hoặc hai vạch liền song song.

Trong đó, loại hai vạch liền song song thường được thiết kế trên những đoạn đường đèo dốc với tầm nhìn bị hạn chế hay xảy ra tai nạn nhằm mục đích để tránh cho các xe.

Đối với dạng vạch vàng song song một nét đứt một nét liền sẽ cho phép các phương tiện ở bên phải phần nét đứt trong các trường hợp cần thiết có thể được phép lấn làn hay vượt. Còn các phương tiện ở phía còn lại sẽ không được phép lấn làn hay vượt trong bất kỳ trường hợp nào.

Ngoài ra, đối với những làn đường có từ 2 đến 3 làn và không được trang bị dải phân cách, vạch kẻ vàng cũng có thể được thay thế nhằm cho thấy mức độ nguy hiểm của đoạn đường cũng như nhấn mạnh tính nghiêm trọng của việc không được lấn làn và đè vạch. Trong trường hợp này người lái xe cần phải thật sự chú ý và cẩn trọng để không gây nên những vi phạm đáng tiếc.

6. Sáu là vạch làn đường ưu tiên

Đối với dạng vạch này thông thường sẽ bao gồm 2 loại là vạch trắng nét liền và vạch trắng nét đứt với những tác dụng riêng biệt.

Vạch trắng nét liền: Loại vạch này thường được thiết kế để dành riêng cho một loại phương tiện nhất định. Do đó trong quá trình lái xe nếu gặp phải vạch này bạn sẽ không được đi vào nếu không sẽ bị phạt.

Vạch trắng nét đứt: Cũng được thiết kế dành riêng cho một loại phương tiện nhất định. Tuy nhiên khác với vạch trắng nét liền, trong trường hợp gặp loại vạch này các loại xe khác vẫn có thể sử dụng nhưng cần phải ưu tiên nhường đường đối với các loại phương tiện được quy định. Thêm vào đó, đối với dạng vạch này, xe thuộc làn đường ưu tiên cũng có thể cắt qua vạch nếu trong trường hợp làn đường bên cạnh không có quy định ràng buộc nào khác.

7. Bảy là vạch kẻ đường hình thoi

Theo chuẩn quy định số 41 về báo hiệu đường bộ, vạch kẻ hình thoi cho biết xe đang lưu thông đến nơi có vạch dành cho người đi bộ qua đường. Người lái xe cần thận trọng chú ý cũng như chủ động nhường đường cho người đi bộ tại những địa điểm có nối các nút cảnh báo.

III. Không chấp hành vạch kẻ đường bị phạt thế nào?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với các trường hợp không tuân thủ biển báo và vạch kẻ đường trong quá trình lưu thông sẽ bị xử lý như sau:

– Đối với xe ô tô:

Mức phạt theo quy định sẽ từ 200.000 – 400.000 đồng cho mỗi lần vi phạm, đồng thời người lái xe cũng sẽ bị tước quyền sử dụng bằng lái trong vòng 2 đến 4 tháng nếu như gây tai nạn.

– Đối với xe máy:

Đối với xe máy mức phạt sẽ dao động trong khoảng 100.000 – 200.000 đồng trên mỗi lần vi phạm. Và nếu người điều khiển trong lần vi phạm và gây ra tai nạn giao thông thì bên cạnh mức xử phạt tiền, người lái sẽ bị tịch thu quyền sử dụng đối với giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

Ngoài ra, mọi người cần chú ý các biển báo, hiệu lệnh giao thông với từng loại xe trên đường thành phố: xe hạng nặng, xe trên 2 tấn,…..

Trên đây là các thông tin và ý nghĩa về vạch kẻ đường của luật giao thông đường bộ Việt Nam. Hi vọng bài viết bổ ích đến mọi người. 

(có 2 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.088