Câu hỏi phỏng vấn quan trọng giúp nhà tuyển dụng phân loại được ứng viên tiềm năng

Khi tham gia các cuộc phỏng vấn nhà tuyển dụng thường sẽ đào sâu hỏi các câu hỏi về bản thân, kỹ năng của ứng viên. Tuy nhiên bên cạnh đó sẽ là những câu hỏi chốt hạ để quyết định nhân viên này có thật sự phù hợp với vị trí công ty đang tìm kiếm hay không và câu hỏi: “Em mong muốn mức lương bao nhiêu?” chính là một dạng câu hỏi như vậy.

Thông thường các bạn sinh viên mới ra trường rất ngại gặp dạng câu hỏi này vì nếu trả lời không khéo thì không những “deal lương” không thành công mà còn mất luôn cơ hội việc làm đáng có.

Tự lượng sức mình ắt có lương ổn định

Đây là câu hỏi mang “tính nhạy cảm” thu hút sự quan tâm rất lớn của ứng viên và cũng là câu hỏi mà nhà tuyển dụng mong chờ xem cách thức phản ứng, trả lời của ứng viên khi gặp dạng câu hỏi.

Có những bạn đã có sự chuẩn bị rất thấu đáo để có thể khéo léo vượt qua câu hỏi này 1 cách xuất sắc. Sinh viên mới ra trường kinh nghiệm đâu có nhiều mà đòi “apply” vào vị trí lương cao nhưng cũng không phải không biết gì để mà nhà tuyển dụng muốn trả lương bao nhiêu thì trả.

Muốn biết lương mình bao nhiêu thì phải tìm hiểu khung lương vị trí đó nằm trong khoảng từ đâu tới đâu. Hãy đặt lại câu hỏi cho các nhà tuyển dụng lịch sự như kiểu: “Theo em tìm hiểu thì với vị trí này thì công ty mình sẽ trả lương từ khoảng … đến khoảng… Bản thân em thì chỉ là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm còn non kém quý công ty có thể cho phép em có cơ hội thử việc để xác định năng lực bản thân rồi việc thỏa thuận lương bổng mình sẽ bàn bạc đánh giá qua kỳ kí hợp đồn chính thức.” Dĩ nhiên một câu trả lời thông minh là câu trả lời có thể mở ra cơ hội cho chính mình. Rõ ràng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người biết mình biết ta và khá nhạy bén.

Biết sức mình nhưng đề cao mình quá

Có nhiều bạn sinh viên rõ ràng rất giỏi rất tốt và ngay cả bản thân cũng biết năng lực của mình nên đã tự tin đề xuất mức lương mong muốn của mình với nhà tuyển dụng. Cách thức này đánh giá trực tiếp nhu cầu của ứng viên tuy nhiên việc đề xuất lương cũng gắn với thực tế đừng đưa một con số quá cao vượt mức lương mà nhà tuyển dụng có thể chi cho một vị trí thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường.

Nếu cho rằng mình xứng đáng nhận lương cao hơn thì hãy chứng minh nó thông qua quá trình làm việc. Còn việc bạn đòi hỏi hơn mức thực tế thì dù giỏi đến đâu bạn cũng sẽ bị đánh trượt.

Không dám đặt vấn đề lương bổng

Đây chính là hầu hết tính cách của các bạn sinh viên mới ra trường. Không biết mình phải để xuất mức lương như thế nào cho hợp lý. Không xác định được giá trị bản thân và cống hiến công ty như thế nào để có thể đạt được lương kì vọng. Đề xuất thấp quá lại sợ bị bốc lột sức lao động. Đề xuất cao quá lại sợ nhà tuyển dụng đánh giá tham lam.

Cái cơ bản đầu tiên khi bạn muốn đàm phán lương với nhà tuyển dụng, đó là bạn phải xác định được giá trị bản thân của mình cái đã. Bạn phải biết mình làm được gì, có những giá trị gì thì mới có thể tự tin đi “deal” lương. Lương mà “deal” thấp quá, thì bạn thiệt thòi, không làm bền. Mà lương cao vượt khả năng của bạn, thì có khi chính bạn áp lực vì không đáp ứng được yêu cầu của công ty, thì bạn cũng sẽ bị đào thải.

 

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.557