Đặc điểm của các hình thức đại lý theo Luật Thương mại

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

 

Các hình thức đại lý theo quy định của Luật thương mại: Có 4 hình thức đại lý.

1, Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý. Trong hình thức đại lý này bên giao đại lý ấn định giá giao đại lý, bên đại lý quyết định giá bán hàng hóa. Thù lao mà bên đại lý được hưởng là mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán thực tế so với giá mua do bên đại lý ấn định.

2, Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định. Do đó có thể hiểu là đại lý độc quyền là giao quyền cho 1 đại lý đó để thực hiện việc mua, bán một số hàng hóa nhất định hoặc cung ứng một số dịch vụ nhất định trong một phạm vi địa giới hành chính xác định. Như vậy sẽ không hạn chế khối lượng hàng hóa mà hạn chế địa giới hành chính.

3, Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại  lý là đối tác trực tiếp của bên giao đại lý.Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.

4, Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận. Ví dụ như đại lý hoa hồng, đại lý cấp 1, đại lý cấp 2, đại lý cấp 3 theo sự phân định và thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý.

  • Đặc điểm của các hình thức đại lý:

Thứ nhất, hoạt động đại lý là hoạt động diễn ra giữa bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.

Theo quy định tại Điều 167 Luật thương mại, bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, quan hệ đại lý thương mại xác lập trên quan hệ hợp đồng. Điều 168 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Pháp luật không quy định các điều khoản bắt buộc trong hợp đồng đại lý, nhưng khi giao kết các bên có thể thỏa thuận và ghi vào trong hợp đồng các điều khoản sau: hàng hóa hoặc dịch vụ đại lý; hình thức đại lý, thù lao đại lý, thời hạn của hợp đồng đại lý, quyền và nghĩa vụ của các bên….

Thứ ba, trong hoạt động đại lý thương mại thì bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý. Khi thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý không phải là người mua hàng của bên giao đại lý mà chỉ là người nhận hàng để rồi tiếp tục bán cho bên thứ ba. Chỉ khi hàng hóa được bán, quyền sở hữu hàng hóa mới chuyển từ bên giao đại lý cho bên thứ ba.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Luật Sư Việt Nam
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
16.289