Đến hạn không trả nợ phải chịu các khoản lãi nào?

Hợp đồng vay tài sản, nhất là hợp đồng vay tiền là quan hệ dân sự xảy ra thường xuyên và phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Nếu các bên đã tuân thủ đúng nội dung trong hợp đồng thì sẽ không có gì đáng bàn đến. Nhưng nếu trường hợp đã đến hạn trả nợ rồi mà bên vay tiền không trả hoặc trả không đủ, thì câu hỏi được đặt ra là (1) Bên vay sẽ phải chịu những khoản lãi nào? (2) Và Pháp luật hiện hành có cho phép việc tính lãi trên nợ lãi chưa trả hay không? 

Do đó, nhằm giúp mọi người có cái nhìn tổng quát nhất về hợp đồng vay tài sản và biết được các khoản lãi phải chịu nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, nên hôm nay tôi sẽ gửi đến quý vị nội dung “Đến hạn không trả nợ, phải chịu các khoản lãi nào?”.

Tổng quan về hợp đồng vay tài sản

Nội dung đầu tiên tôi muốn giới thiệu đến quý vị và các bạn là những thông tin tổng quan nhất về hợp đồng vay tài sản.

  1. Khái niệm

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định” (Điều 463 Bộ luât Dân sự 2015)

(Chiếu điều luật trên trên Video và đọc theo nội dung bên dưới đây)

Cũng giống như các loại hợp đồng dân sự khác, Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng. Và lưu ý bên vay chỉ phải trả lãi cho bên cho vay nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

  1. Đặc điểm

Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có mục đích chuyển quyền sở hữu đối với tài sản vay. Theo đó, bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận được tài sản đó (Điều 464 Bộ luât Dân sự 2015).

Về nguyên tắc, khi bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay, thì bên vay có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản vay đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Cụ thể, trong trường hợp này, Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích (Điều 467 Bộ luât Dân sự 2015).

  1. Lãi suất

Liên quan đến hợp đồng vay tài sản, nhất là hợp đồng vay tiền => thì lãi suất luôn là vấn đề được mọi người quan tâm nhiều nhất.

Về nguyên tắc, các bên trong hợp đồng vay tài sản được quyền thỏa thuận để ấn định mức lãi suất. Tuy nhiên, mức lãi suất này không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn trên, thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.

Lưu ý: Mức lãi suất tối đa 20%/năm này là mức lãi suất được xác định vào thời điểm hiện tại. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước.

Và một lưu ý thêm với mọi người: Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất là bao nhiêu và có tranh chấp xảy ra => thì khi đó lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn, có nghĩa ở thời điểm hiện tại sẽ là 10% mọi người nhé.

Và để mọi người dễ hình dung, trong Video này chúng ta thống nhất: (1) mức lãi suất tối đa là 20%; và 50% mức lãi suất giới hạn sẽ là 10% mọi người nhé.

  1. Các khoản lãi phải chịu khi không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ
  1. Đối với hợp đồng vay không có lãi suất

Hợp đồng vay tài sản gồm (1) hợp đồng vay có lãi và (2)hợp đồng vay không có lãi. Việc trả lãi theo hợp đồng chỉ đặt ra đối với hợp đồng vay có lãi.

Tuy nhiên, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả lãi với mức lãi suất bằng 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả (theo quy định tại khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015).

Theo đó, chúng ta sẽ có công thức sau.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất theo quy định hiện tại là 10%/năm) x (thời gian chậm trả).

Để mọi người dễ hiểu, tôi xin lấy ví dụ sau đây:

Ví dụ 1: A cho B vay 100 triệu đồng trong thời hạn 2 năm và các bên không có thỏa thuận việc trả lãi.  Đến hạn trả nợ, B chỉ trả được cho A 40 triệu. Số tiền còn lại 3 tháng sau B mới trả đủ. Trong trường hợp này, B chậm trả cho A 60 triệu trong thời gian 3 tháng. Do đó, số tiền lãi mà B phải trả cho A là: 60 triệu x (10% : 12 tháng) x 3 tháng = 1,5 triệu.

  1. Đối với hợp đồng vay có lãi suất

Đối với hợp đồng vay có lãi, khi đến hạn mà bên vay không trả hoặc không trả đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi như sau:

Thứ nhất: Bên vay phải trả lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả

Đối với khoản lãi này, bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc theo đúng lãi suất mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Và tất nhiên, lãi suất thỏa thuận này nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật đã quy định là 20%/năm.

Theo đó, chúng ta sẽ có công thức như sau:

Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận) x (thời gian vay chưa trả lãi)

Để mọi người dễ hiểu, tôi xin lấy ví dụ sau đây:

Ví dụ 2: A cho B vay 400 triệu đồng, lãi suất 1,5%/tháng trong thời gian 1 năm. Vậy số tiền lãi trong hạn mà B phải trả cho A là: 400 triệu x 1,5% x 12 tháng = 72 triệu.

Thứ hai: Bên vay phải trả lãi trên nợ lãi chưa trả

Theo đó, trường hợp bên vay chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi nữa. Thực chất đây là trường hợp bên vay trả quá hạn đối với số tiền lãi (nghĩa là đến hạn trả lãi nhưng bên vay chưa trả) => khi đó bên vay phải trả lãi đối với số tiền lãi chậm trả với lãi suất là 10%/năm tương ứng với thời gian vay.

Theo đó, chúng ta sẽ có công thức như sau:

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (Tiền lãi trong hạn chưa trả) x (lãi suất theo quy định hiện tại là 10%) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc)

Để mọi người dễ hiểu, tôi xin lấy ví dụ sau đây:

Tiếp tục ví dụ 2: A cho B vay 400 triệu, lãi suất 1,5%/tháng trong thời gian 1 năm. Tuy nhiên, đến hạn trả nợ, bên B mới trả được A số tiền gốc là 400 triệu, còn số tiền lãi B bị quá hạn 5 tháng. Vậy trong thời gian 5 tháng quá hạn, bên cạnh số tiền lãi trong hạn phải trả là 72 triệu (như đã tính trong ví dụ 2 trên), thì bên B còn phải trả thêm cho A số tiền lãi là: 72 triệu x (10%: 12 tháng) x 5 tháng = 3 triệu.

Như vậy quy định này đã trả lời cho câu hỏi “có tính lãi đối với số tiền lãi quá hạn hay không?” mọi người nhé. Đây là một quy định mới được ghi nhận tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 mà chúng ta phải hết sức lưu ý.

Thứ ba: Bên vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả

Đây là trường hợp đến hạn trả nợ nhưng bên vay không trả đúng hạn cho bên cho vay. Theo đó, bên vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả.

Theo đó, chúng ta sẽ có công thức như sau:

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (150% lãi suất theo hợp đồng) x (thời gian chậm trả nợ gốc)

Để mọi người dễ hiểu, tôi xin lấy ví dụ sau đây:

Tiếp tục ví dụ 2 trên: A cho B vay 400 triệu, lãi suất 1,5%/tháng trong thời gian 1 năm. Đến hạn trả nợ, B mới trả cho A được số tiền gốc là 200 triệu (nghĩa là còn thiếu 200 triệu). Số tiền còn lại 5 tháng sau B mới trả cho A. Như vậy, tính đến thời điểm trả đầy đủ, số tiền lãi trên nợ gốc quá hạn mà bên B phải trả cho A là: 200 triệu x (150% x 1,5%/tháng) x 5 tháng = 22,5 triệu.

Trên đây là toàn bộ nội dung tôi muốn giới thiệu đến quý vị và các bạn có liên quan nội dung “Đến hạn không trả nợ, phải chịu các khoản lãi nào?” và thông qua đó cũng giúp chúng ta trả lời được câu hỏi “có tính lãi đối với số tiền lãi quá hạn hay không.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.400