Điểm sàn Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023

(có 1 đánh giá)

Em muốn biết Trường Đại học Luật Hà Nội đã có công bố điểm sàn hay chưa? Nếu em đăng ký xét tuyển khối C00 vào Trường thì cần đạt tối thiểu bao nhiêu điểm? - Tùng Dương (Thái Bình)

1. Điểm sàn Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023

Ngày 25/7/2023, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có Quyết định 3555/QĐ-ĐHLHN về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy năm 2023 (Khóa 48) (Diện xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023)

Hình từ Internet

Cụ thể, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy năm 2023 (Khóa 48) đối với thí sinh thuộc diện xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 như sau:

- Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại trụ sở chính của Trường: Tổng điểm các môn thuộc tổ hợp xét tuyển C00 đạt lớn hơn hoặc bằng 20.00 điểm, các tổ hợp khác đạt lớn hơn hoặc bằng 18.00 điểm (không tính điểm ưu tiên).

Ngoài ra, đối với ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh lớn hơn hoặc bằng 7.00 điểm.

- Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại phân hiệu của Trường tại tỉnh Đắk Lắk: Phân hiệu của Trường tại tỉnh Đắk Lắk chỉ xét tuyển ngành Luật, tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt lớn hơn hoặc bằng 15.00 điểm (không tính điểm ưu tiên)

* Lưu ý về xét tuyển tại Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023:

- Thí sinh đủ điều kiện về đối tượng tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo được tham gia xét tuyển;

- Điểm xét tuyển bằng tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên (nếu có)

Quyết định 3555/QĐ-ĐHLHN có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Đối tượng, điều kiện tham gia xét tuyển đại học năm 2023

Đối tượng, điều kiện tham gia xét tuyển đại học năm 2023 sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:

- Về đối tượng tham gia xét tuyển đại học năm 2023

Đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức), bao gồm:

+ Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;

+ Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.

- Về điều kiện tham gia xét tuyển đại học năm 2023

Đối tượng dự tuyển quy định trên phải đáp ứng các điều kiện sau:

+  Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định tại Điều 9 Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT;

+ Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành;

+ Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định.

- Các trường hợp khác:

+ Đối với một chương trình đào tạo hoặc một ngành đào tạo áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh, cơ sở đào tạo có thể quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện dự tuyển cho mỗi phương thức tuyển sinh nhưng phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

- Đối với thí sinh khuyết tật bị suy giảm khả năng học tập, cơ sở đào tạo thực hiện các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh có nguyện vọng được đăng ký dự tuyển và theo học các ngành phù hợp với điều kiện sức khỏe của thí sinh.

3. Nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh đại học năm 2023

Các hoạt động tuyển sinh đại học năm 2023 phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây:

(1) Công bằng đối với thí sinh

- Về cung cấp thông tin: Mỗi thí sinh quan tâm được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tin cậy, nhất quán và kịp thời để có quyết định phù hợp và chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia tuyển sinh;

- Về cơ hội dự tuyển: Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém;

- Về đánh giá năng lực: Thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo;

- Về cơ hội trúng tuyển: Thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển;

- Về thực hiện cam kết: Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

(2) Bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo

- Về hợp tác: Các cơ sở đào tạo hợp tác bình đẳng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, đồng thời mang lại lợi ích tốt nhất cho thí sinh;

- Về cạnh tranh: Các cơ sở đào tạo cạnh tranh trung thực, công bằng và lành mạnh trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

(3) Minh bạch đối với xã hội

- Về minh bạch thông tin: Cơ sở đào tạo có trách nhiệm công bố thông tin tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng và kịp thời qua các phương tiện truyền thông phù hợp để xã hội và cơ quan quản lý nhà nước cùng giám sát;

- Về trách nhiệm giải trình: Cơ sở đào tạo có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước và giải trình với xã hội qua hình thức phù hợp về những vấn đề lớn, gây bức xúc cho người dân.

(Điều 4 Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT)

(có 1 đánh giá)
Trần Thanh Rin
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.561