Điều kiện trở thành giảng viên Luật

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi điều kiện để trở thành giảng viên Luật là như thế nào? Và mức lương hiện nay của giảng viên Luật là bao nhiêu? - Bích Tuyền (TPHCM)

Trở thành giảng viên Luật để giảng dạy Luật có thể là niềm ao ước của rất nhiều bạn sinh viên Luật. Vậy muốn trở thành giảng viên Luật thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào?

Điều kiện trở thành giảng viên Luật

Điều kiện trở thành giảng viên Luật (Hình từ Internet)

1. Điều kiện trở thành giảng viên Luật

Hiện nay, tại các trường đại học khi tuyển chọn giảng viên Luật vào giảng dạy thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng biệt theo thông báo tuyển dụng từ phía nhà trường. Tuy nhiên, điều kiện để trở thành giảng viên Luật thì sẽ phải đáp ứng một số tiêu chuẩn và điều kiện chung như sau:

- Có bằng thạc sĩ đối với giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ (Theo điểm c khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019).

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên.

- Có trình độ tiếng anh và tin học đạt chuẩn hoặc đạt theo yêu cầu từ phía trường đại học.

- Đủ điều kiện sức khỏe, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cho công việc,...

* Cụ thể, theo một thông báo tuyển dụng chức danh nghề nghiệp giảng viên năm học 2018 - 2019 của trường Đại học Luật TPHCM yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn chung về tuyển dụng giảng viên như sau:

Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển:

- Từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng và hồ sơ đầy đủ, hợp lệ;

- Có đủ sức khỏe làm việc, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm; hình thức và tác phong phù hợp với nhà giáo;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (còn giá trị) thuộc một trong các ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức hoặc tương đương bậc 3 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam trở lên theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT;

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản trở lên theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT;

- Có hoặc đang học Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm;

- Giấy tờ chứng minh thâm niên công tác giảng dạy và NCKH (nếu có).

2. Nhiệm vụ và quyền của giảng viên Luật

Nhiệm vụ và quyền của giảng viên Luật theo quy định về nhiệm vụ và quyền hạn chung của nhà giáo tại Điều 69 và Điều 70 như sau:

* Nhiệm vụ của nhà giáo:

- Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.

- Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

- Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

* Quyền của nhà giáo:

- Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo.

- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học.

- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.

- Được nghỉ hè theo quy định của Chính phủ và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.

3. Mức lương của giảng viên Luật

Căn cứ Điều 9 Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT và Điều 10 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT), viên chức giảng dạy được xếp lương như sau:

- Giảng viên đại học cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Giảng viên đại học chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Giảng viên đại học (hạng III), trợ giảng (Hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Ngoài viên chức là giảng viên được ký hợp đồng làm việc với các trường công lập thì hưởng lương theo các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với bảng lương của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thì hiện nay có không ít giảng viên là người lao động ký hợp đồng lao động với các trường cao đẳng, đại học.

Trong trường hợp này, giảng viên hợp đồng lao động không xếp lương theo hệ số và mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng như viên chức mà thực hiện chế độ lương, thưởng theo thoả thuận với Hiệu trường các trường cao đẳng, đại học và được ghi cụ thể trong hợp đồng lao động.

Khi đó, mức lương của giảng viên hợp đồng có thể cao, có thể thấp hơn mức lương của giảng viên là viên chức cùng giảng dạy một trình độ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Căn cứ Nghị định 38/2022/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 sẽ được tăng thêm 6% và cụ thể như sau: Vùng I có mức lương tối thiểu là 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III là 3.640.000 đồng/tháng; Vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng

(có 1 đánh giá)
Lê Trương Quốc Đạt
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.878