Đừng ngần ngại đàm phán lương với nhà tuyển dụng

Lương là một chủ đề được xem là quan trọng trong những cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Đặc biệt với những trường hợp mà ứng viên và nhà tuyển dụng đã bắt đầu thấy “hợp nhau” thì việc đàm phán về lương là cánh cửa cuối cùng để hai bên tiến tới sự gắn bó trong công việc. Nhưng sự thật nhiều ứng viên lại coi nhẹ việc đàm phán lương với nhà tuyển dụng, đó là sai lầm nên tránh. Mức lương không chỉ là mức thu nhập của mỗi người khi đi làm, mà nó còn thể hiện, đánh giá được năng lực, trình độ, sự hiệu quả của một nhân sự trong công ty. Cho nên ứng viên khi ngồi lên bàn đàm phán, đừng bao giờ xem nhẹ điều này.

Có một số trường hợp đặc biệt, ứng viên sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn thu nhập tại công ty cũ để được trải nghiệm ở một vị trí công việc mới có cơ hội thăng tiến hơn, có cơ hội học tập nhiều hơn, để có cơ hội bước sang lĩnh vực công việc mới, tuy nhiên trong đa số các trường hợp, mức lương thật sự thể hiện giá trị của người đi làm.và hãy đàm phán một cách thật nghiêm túc.

Đừng “dối mình, dối người”

Rất nhiều ứng viên vì nhiều lý do khác nhau mà họ thường e ngại khi đề cập đến mức lương. Khi nhà tuyển dụng hỏi “Mức lương mong muốn của em là bao nhiêu”, thì thật sự họ mong chờ câu trả lời từ ứng viên một cách nghiêm túc. Từ câu trả lời của ứng viên, thì nhà tuyển dụng mới có cơ sở để đánh giá, xem xét rằng mức lương mong muốn có phù hợp với năng lực chi trả của công ty hay không, có tương xứng với những giá trị mà bạn mang lại cho công ty hay không…

Nhưng không hiểu vì lý do nào mà nhiều ứng viên chọn những câu trả lời mang tính sáo rỗng như:

“Em không quan trọng mức lương cho lắm”

“Em mong muốn đi làm để học hỏi kinh nghiệm, lương không quan trọng”

“Dạ tùy anh/chị đánh giá và chi trả lương phù hợp ạ”

Tất cả những câu trả lời kiểu như trên chỉ đem lại sự hoang mang và sự đánh giá không tốt từ nhà tuyển dụng dành cho bạn. Vì câu trả lời không đáp ứng được nhu cầu của họ, và phần nào họ đánh giá bạn là người khách sáo, không thành thật. Bởi vì thực tế, ai đi làm mà không muốn nhận lương chứ?

Nguyên nhân vì sao lại có những câu trả lời sáo rỗng từ ứng viên?

Thứ nhất, là tâm lý e ngại. Ứng viên sợ rằng câu trả lời của mình vượt quá mức chi trả của nhà tuyển dụng, từ đó sẽ bị mất cơ hội việc làm từ công ty này.

Đây là tâm lý sai lầm. Có hai trường hợp xảy ra, giả sử mức chi trả của công ty không đủ để đáp ứng nguyện vọng lương của bạn. Nếu như sự chênh lệch quá nhiều, không có lý do gì đặc biệt thì tại sao bạn lại sợ mất cơ hội đó khi mà mức lương không đáp ứng được nhu cầu của bạn ? Còn nếu như mức lương đáp ứng được nhu cầu của bạn, thì đó là chuyện tốt, vậy lý do từ đâu mà lại có sự e ngại không cần thiết này?

Thứ hai, sợ nhà tuyển dụng đánh giá không tốt. Sẽ có nhiều ứng viên nghĩ rằng, việc đề cập tới mức lương sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên là người đòi hỏi, đi làm chỉ quan trọng về tiền. Suy nghĩ, e ngại đó là có cơ sở nhưng lại không đúng trong hoàn cảnh này. Việc một ứng viên chỉ chăm chú quan tâm tới lương, thưởng mà không quan tâm tới vấn đề khác thì đúng là nhà tuyển dụng sẽ có những đánh giá không tốt. Hoặc việc đề cập mức lương không đúng thời điểm trong buổi phỏng vấn thì mới có những đánh giá tiêu cực.

Nhưng một khi nhà tuyển dụng đã đặt câu hỏi về lương thì có nghĩa là họ đã thực sự nghiêm túc muốn nhận được câu trả lời từ bạn. Chính vì vậy, sự e ngại trên là không cần thiết và nó gây ảnh hưởng tới buổi phỏng vấn, gây ảnh hưởng tới chính bạn.

Đừng nghĩ rằng bạn đang kì kèo, đòi hỏi giá cho một món hàng. Mà hãy nghĩ rằng bạn đang đàm phán để khẳng định giá trị của bản thân.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.779