Giám Đốc Nhân Sự là gì?

(có 1 đánh giá)

Giám đốc nhân sự là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của Công ty. Giám đốc nhân sự phụ trách kiểm soát các số liệu, báo cáo liên quan tới việc tuyển dụng, đào tạo - phát triển, chính sách đại ngộ, thưởng phạt, quy chế cho nhân viên.

Với tư cách là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc phát triển nguồn nhân lực của Công ty, Giám đốc Nhân sự có những nhiệm vụ như sau:

1. Lãnh đạo, quản lý

Vai trò lãnh đạo của giám đốc nhân sự là với tư cách người đứng đầu, đưa ra các chiến lược với mục đích dự đoán được những đổi mới trong ý tưởng nhằm nâng cao năng suất lao động của nhân viên, hiệu quả của công việc và hiệu quả chi phí.

Giám sát và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của bộ phận nhân sự từ việc tuyển dụng, đào tạo, cho đến các hoạt động quản lý chính sách, tiền lương cho nhân viên công ty. Giám đốc nhân sự là người trực tiếp đưa ra ý kiến chỉ đạo điều hành cho các nhân viên cấp dưới, và cũng là người chịu trách nhiệm chính yếu nhất cho quyết định của Phòng/Ban, nhiệm vụ của mình.

Khâu đào tạo là nhiệm vụ được thực hiện xuyên suốt của bộ phận nhân sự trong công ty. Với tư cách là giám đốc nhân sự, người đứng đầu phải đảm bảo hoạt động đào tạo hiệu quả giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và song song với đó là nhiệm vụ phải giữ được giá trị cốt lõi, văn hóa công ty đã hình thành từ trước.

2. Quản lý các vấn đề chính sách, đãi ngộ với nhân viên cấp dưới

Một chuyên viên nhân sự, hay cao hơn cả là Giám đốc nhân sự, là người có trách nhiệm phải quan tâm tới các chính sách đãi ngộ, phúc lợi với các nhân viên cấp dưới thuộc quyền quản lý của mình.

Với tư cách là người đứng đầu, giám đốc nhân sự phải đảm bảo được một môi trường làm việc tích cực, năng động, thoải mái giúp cho nhân viên bộc lộ hết năng lực, điểm mạnh của mình. Tạo được một tâm trạng, ý chí làm việc quyết tâm với tinh thần, ý thức tự giác cao.

Để có thể tạo được sự vui vẻ trong công việc, họ cần hiểu được ý nghĩ và tình cảm của nhân viên, biết được mong muốn và nhu cầu của nhân viên. Sự vui vẻ trong công việc rất quan trọng vì nó giúp thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên với công việc, sự hài lòng trong công việc và cam kết về mặt tình cảm đối với doanh nghiệp.

3. Giám đốc nhân sự uôn cập nhật kiến thức để có sự chuyển mình cùng với xu hướng thay đổi của xã hội

Giám đốc nhân sự sử dụng những hiểu biết về xu hướng kinh doanh, xã hội, chính trị để tăng hiểu biết về nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp trong tương lai. Điều này có thể giúp họ lôi cuốn được nhân sự phù hợp cũng như tạo ra một lực lượng lao động phù hợp để đạt được những mục tiêu của doanh nghiệp.

Giám đốc nhân sự cũng là người đánh giá về khoảng cách giữa khả năng hiện tại của doanh nghiệp và nhu cầu của doanh nghiệp trong tương lai. Họ đảm bảo rằng doanh nghiệp luôn có một lực lượng nhân tài sẵn có.

CHRO cũng dựa vào những hiểu biết của họ về những công ty khác để hiểu được xu hướng nguồn nhân lực hiện tại. Họ cũng có thể dựa vào những vị trí việc làm mà công ty đối thủ đang tuyển dụng để dự đoán về xu hướng nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp trong tương lai.

4. Ra quyết định quyết đoán

Giám đốc nhân sự cũng có nhiệm vụ đưa ra các quyết định, chiến lược liên quan đến chất lượng của những nhân sự được tuyển dụng vào doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc lãnh đạo, phát triển nhân viên, và đảm bảo sự phát triển kinh doanh trong tương lai của công ty trọng tâm vào nhân sự và văn hóa công ty.

Vị trí này cũng đảm bảo việc ra quyết định và xây dựng chiến lược trong bộ phận nhân sự là phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty. Giám đốc nhân sự là người phát triển các kế hoạch tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, CHRO còn có chức năng cố vấn cho các giám đốc kinh doanh và các trưởng bộ phận trong các vấn đề kinh doanh và quản lý quan trọng.

5. Giám đốc nhân sự là cầu nối giữa nhân viên công ty và công ty

Giám đốc nhân sự đóng vai trò là cầu nối kết nối các nhu cầu của nhân viên với ban điều hành. Họ vận động đấu tranh cho quyền lợi của nhân viên trong khi cùng lúc cân nhắc đến các vấn đề tài chính. Họ, cùng với ban điều hành, đưa ra các quyết định nhằm cân bằng giữa niềm vui của nhân viên và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

6. Giám đốc nhân sự góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Giám đốc nhân sự đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp đi đúng hướng. Họ tìm cách giao tiếp và tác động để nhân viên thay đổi theo hướng tích cực. Họ đảm bảo rằng phong cách lãnh đạo của các nhà quản lý phù hợp với mục tiêu văn hóa của doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế hiện đại, CHRO cũng chịu trách nhiệm cho việc văn hóa doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu hoạt động trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Thị trường lao động toàn cầu đòi hỏi một tư duy linh hoạt, nhanh nhẹn và cởi mở. CHRO có trách nhiệm thúc đẩy sự nhanh nhẹn và cởi mở tại nơi làm việc bằng cách sử dụng kỹ năng giao tiếp đa văn hóa. Họ là người quản lý lực lượng lao động đa dạng của doanh nghiệp.

(có 1 đánh giá)
2.734