Giết người rồi tự tử, tại sao phải cứu sống kẻ thủ ác?

(có 6 đánh giá)

Mới đây tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long xảy ra vụ án một nam thanh niên giết người yêu mình và sau đó dùng nhiều cách cùng lúc để tự tử như chích điện, uống thuốc ngủ, thuốc sâu, dùng dao lam cắt động mạch chủ… tuy nhiên lại không chết. Lực lượng chức năng phát hiện và cấp cứu kịp thời, tính đến nay sức khỏe kẻ giết người đã dần hồi phục. Nhiều ý kiến thắc mắc cho rằng việc giết người là tội ác cực kì nghiêm trọng, hung thủ đã muốn chết, tại sao phải cứu rồi sau đó khả năng cao lại tuyên án tử hình… Đây là câu hỏi hay, có nhiều khía cạnh pháp lý cần được mổ xẻ để làm rõ.

Cứu vì nguyên tắc suy đoán vô tội

Có rất nhiều vụ án, sau khi hung thủ ra tay sát hại nạn nhân, sau đó tự sát và được người dân, lực lượng chức năng phát hiện và đưa đi cấp cứu.

Mặc dù biết rằng hung thủ không ai khác chính là người đã tự sát đó, nhưng đó là những nhận định, suy đoán chủ quan của mỗi người. Để kết tội một người, cần phải trải qua các thủ tục tố tụng hình sự công khai, xét xử khách quan theo quy định của pháp luật.

Mặc dù chúng ta khi sử dụng những suy luận logic, những chứng cứ khách quan mà chúng ta tiếp cận hoặc sâu hơn là sự chứng kiến bắt quả tang hành vi, nhưng tất cả những yếu tố đó chỉ dừng lại là suy đoán, là nhận định, là kết luận của mỗi người. Và kết luận đó không thể đại diện cho một phán quyết của pháp luật. Chính vì vậy, dù hung thủ có tự sát thì bằng mọi cách chúng ta phải cứn người đó, vì tại thời điểm chúng ta cứu người đó vẫn chưa bị xem là có tội theo quy định của Bộ luật hình sự.

Tội ác tày trời cũng phải cứu sống

Chúng ta khi  biết về vụ án hoặc chứng kiến vụ án, bằng kiến thức pháp lý, sự suy luận logic có thể luận ra là hành vi của kẻ thủ ác xứng đáng ở mức trừng trị nào của pháp luật. Đối với tội giết người, khung cao nhất là án tử hình, có nghĩa là kẻ thủ ác phải “đền mạng” theo cách hiểu thông thường.

Trong thực tế mọi người cũng đọc và tiếp cận với nhiều vụ án mạng có nhiều tình tiết rất phức tạp, sự phức tạp đó chỉ có thể giải quyết qua việc điều tra xét xử bằng những nghiệp vụ, khoa học hình sự. Ở đó, nghiệp vụ điều tra phải phân tích mặt chủ quan, khách quan, xem xét mặt chủ thể, khách thể của tội phạm… khi đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì mới có cơ sở khởi tố bị can, truy tố, xét xử và kết tội.

Lời khai của kẻ giết người yêu ở phòng trọ rồi tìm đủ cách tự tử

Lực lượng công an đang canh giữ nghiêm ngặt đối với nghi phạm giết người sau đó tự sát (Hình từ Internet)

Có nhiều trường hợp án oan sai chỉ vì bỏ qua một tình tiết nhỏ trong quá trình điều tra, xét xử. Chính vì vậy, chúng ta không thể để người mà chúng ta nghĩ là hung thủ “đền mạng” một cách tự nhiên bằng việc tự sát được. Dù biết kẻ thủ ác phạm tội ác “tày trời” chúng ta vẫn phải cứu sống, để điều tra, xét xử. Mục đích là để tránh bỏ lọt tội phạm, tránh gây oan cho người vô tội.

Quy định pháp luật buộc chúng ta phải cứu kẻ thủ ác

Thời điểm phát hiện kẻ giết người tự sát và đang trong tình trạng nguy kịch, như đã đề cập người đó vẫn chưa bị xem là có tội, có nghĩa là quyền và nghĩa vụ của người đó không có một giới hạn nào.

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự có quy định khi phát hiện một người đang trong tình trạng nguy kịch, chúng ta có điều kiện để cứu thì pháp luật buộc chúng ta phải cứu. Nếu không cứu người đó, khả năng cao chúng ta phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội.”Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Để sự răn đe của án tử hình, sự công bằng được đảm bảo

Bộ Luật hình sự có quy định

Điều 31. Mục đích của hình phạt

Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Sẽ có người có ý kiến rằng, tử hình rồi thì còn giáo dục gì nữa?

Mục đích giáo dục của hình phạt không chỉ là dành riêng cho người phạm tội, mà còn để giáo dục cho cả cộng đồng, xã hội. Ví dụ, hành vi giết người án cao nhất là tử hình. Khi giữ mức án tử hình, những người ngoài xã hội nhìn vào sẽ có sự “sợ hãi” và từ đó sẽ có ảnh hưởng tích cực lên suy nghĩ của cộng đồng. Tác dụng răn đe, phòng ngừa chung của hình phạt tử hình được đảm bảo. Án tử hình ngăn ngừa các thành viên khác trong xã hội không phạm tội, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Lê – Nin từng nói,

“Tác dụng của hình phạt không phải ở chỗ hình phạt nặng hay nhẹ mà là ở chỗ bất cứ tội phạm nào cũng phải chịu hình phạt”

Câu nói này thể hiện sự công bằng của pháp luật. Mọi tội phạm bị tuyên án tử hình phải được xử phạt như nhau. Sẽ không có chuyện “đằng nào cũng chết mà” trong quá trình xét xử, thi hành án.

Chính vì vậy, dù ở trong hoàn cảnh nào, dù là chưa bị xem là có tội hoặc đã bị tuyên án tử hình (đang chờ thi hành án) thì sự trả giả của kẻ thủ ác vẫn phải đảm bảo được thực hiện một cách đồng bộ, công bằng.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

(có 6 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.760