Giúp sinh viên tránh bẫy lừa đảo khi thuê trọ

(có 4 đánh giá)

Đi tìm phòng trọ, đặc biệt là tân sinh viên thì không khác gì một cuộc chiến. Cuộc chiến này đầy rẫy những cạm bẫy nếu như bạn không cảnh giác. Bài viết hôm nay sẽ gửi đến các bạn sinh viên một số “bí kíp” để tránh những rủi ro không đáng có trong việc thuê trọ.

>> 4 Vấn đề sinh viên thường gặp trong thời gian học đại học

>> 07 việc làm online khiến người xin việc dễ bị lừa đảo nhất

1. Bắt mạch chiêu trò lừa đảo

Câu chuyện sinh viên bị lừa trong quá trình tìm kiếm phòng trọ không còn là vấn đề quá xa lạ, bao nhiêu bài báo, chia sẻ của nạn nhân cũng đủ để mọi người biết là bọn lừa đảo tinh vi như thế nào. Các chiêu trò lừa đảo người thuê trọ phải kể đến như là:

  • Giả danh chủ nhà để lừa đảo cho thuê phòng trọ;
  • Đưa ra cái giá thuê trọ rẻ hơn mặt bằng chung – kẻ lừa đảo ép người thuê trọ cọc tiền giữ phòng sau đó lặn mất tăm hơi;

Hay gửi một list danh sách những ưu đãi mà nếu dọn vào ở đầu tháng sẽ được hưởng abcd xyz nhưng khi cọc phòng làm hợp đồng thuê thì lại thêm thắt các điều kiện trời ơi đất hỡi, Hoặc những người gọi là “cò” sẽ đòi bạn một đưa một khoản tiền giới thiệu trước rồi, mới giới thiệu phòng, nếu bạn không đưa thì sẽ bị hăm dọa đủ điều, chưa hết: có những chủ nhà cố tình làm phát sinh nhiều khoản tiền vô lý để khi kết thúc hợp đồng không trả lại tiền cọc cho người thuê.… nói chung là vân vân mây mây các chiêu trò lừa đảo hay những chuyện oái ăm mà người thuê trọ, ở trọ phải chịu.Phần này mọi người cứ tra chị google thì chị ấy sẽ trả kết quả ngay.

Giúp sinh viên tránh bẫy lừa đảo khi thuê trọ

Hình từ Internet

2. Cách phòng tránh lừa đảo, rủi ro khi thuê phòng trọ

Người ta đặt ra câu hỏi vì sao chuyện lừa đảo vẫn xuất hiện nhan nhản từ năm này qua năm khác mà số lượng nạn nhân bị lừa không hề thuyên giảm. Câu trả lời là các đối tượng lừa đảo thường sẽ lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết để chèn ép và lừa tiền của người thuê. Thế nên khi ta “bắt mạch” được các chiêu trò lừa đảo thì phải lên phương thuốc ngay để hạn chế tình trạng này xảy ta.

a. Kiểm tra kỹ địa chỉ, địa điểm cho thuê

Trên mạng ngày nay có nhiều trang web, hội nhóm cho đăng tên những địa chỉ cho thuê phòng trọ bất lương, để cảnh báo cho mọi người cùng biết. Bạn chỉ cần gõ tên địa chỉ mình đang quan tâm lên Google, nếu đây là địa chỉ lừa đảo "có tiếng" thì khả năng cao là bạn sẽ tìm được bài viết "bóc phốt" trên mạng. Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả, giúp bạn nhanh chóng nhận diện địa chỉ lừa đảo cho thuê phòng trọ mà không cần phải xuống tận nơi dò hỏi. Cách hai: mọi người có thể quan sát khi đến trực tiếp nơi thuê trọ xem xét cảm quan, xem đây là khu trọ hay là nhà nguyên căn cho thuê từng phòng. Dò la hỏi thăm hàng xóm các phòng lân cận về tình hình xóm trọ. Chuyện hỏi thăm trước khi thuê nhà, thuê trọ là chuyện mà nhiều người vẫn làm để có cái nhìn khách quan nhất nơi mình có dự định chuyển vào. Ngoài ra hãy rủ thêm bạn bè, người thân đi xem trọ để họ đánh giá thêm giúp bạn

b. Một số thông tin cần lưu ý làm rõ trước khi “xuống tiền” đặt cọc

- Trước khi quyết định đặt cọc, bạn cần tìm hiểu thông tin về chủ trọ. Việc xác định chủ trọ cũng rất đơn giản như là add zalo, facebook, hỏi thăm chủ trọ đang sống chính khu trọ hay là sống riêng ở nơi khác,… Tốt nhất an toàn nhất là bạn nên gặp chính chủ trọ, quản lý khu trọ đó thì mới an tâm đặt cọc phòng.

- Hỏi rõ giá phòng, giá điện, nước, các phụ phí thêm khi vào ở

Giá thuê phòng thì mọi người có thể đã biết khi trao đổi trước khi đi xem phòng tuy nhiên có một số nơi sẽ xảy ra tình trạng như: giá hiện tại là giá ưu đãi, và có thể tăng. Thế nên hãy hỏi rõ giá phòng trước khi đặt cọc

Nhiều bạn sinh viên đi thuê trọ thường không quan tâm đến giá điện, giá nước của phòng trọ mình mà sẽ đóng nộp theo thông báo của chủ nhà. Thế nhưng đến lúc nhận thông báo tiền điện nước thì tá hỏa sao lại mắc như thế.

Vậy nên để bảo vệ quyền lợi của mình mọi người hãy hỏi rõ vấn đề này với chủ trọ nhé. Ngoài ra pháp luật cũng có những quy định cụ thể về giá bán điện với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà: Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam là 2.014 đồng/KWh (Khoản 4, Điều 10 Thông tư số 23/ VBHN- BCT ngày 16/10/2018)

Tuy nhiên có một thưc tế là các chủ trọ thường thu tiền điện của bạn là 3k/số. Thoạt nghe thì có vẻ là chủ trọ họ cố tình ăn lời và các bạn bị lỗ, nhưng không phải vậy. Các bạn biết là tiền điện ở Việt Nam tính theo lũy kế, dùng càng nhiều thì đơn giá càng cao. Với các hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ thì họ phải trả tiền điện trên đồng hồ tổng, càng có nhiều phòng thuê thì tiền điện càng cao. Việc thu giá 3k/số điện là một cách để san sẻ mức tiền điện vượt hạn mức. Chủ trọ thu 3k họ không lời của bạn đồng nào đâu, cho nên cũng ko cần lăn tăn quá về vấn đề này. Các nhà trọ thu tiền điện 3 - 3.5k/số theo mình là hết sức bình thường.

Ngoài giá điện thì giá nước cũng cần được quan tâm. Khung giá nước được quy định như mọi người đang thấy:

Stt

Loại

Giá tối thiểu (đồng/m3)

Giá tối đa (đồng/m3)

1

Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1

3.500

18.000

2

Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5

3.000

15.000

3

Khu vực nông thôn

2.000

11.000

(Theo Điều 3 Thông tư 44/2021/TT-BTC)

Ngoài điện nước mọi người cũng phải chú ý hỏi rõ cái loại phụ phí khác nếu có như là: Tiền rác, tiền wifi, tiền giữ xe,…  nhé. Đừng nghĩ là bỏ qua cũng được nhưng đó là quyền lợi của mình đấy.

- Đọc kỹ phiếu thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ

Khi đã ưng ý với căn phòng mình lựa chọn mọi người sẽ tiến hành đặt cọc giữ phòng

Thông thường, tiền đặt cọc cho thuê phòng trọ sẽ là khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đối với những phòng trọ vừa nhỏ không có nội thất. Khi đặt cọc bạn phải yêu cầu chủ trọ ghi rõ ràng và chi tiết những thỏa thuận về tiền phòng, chi phí hàng tháng để làm bằng chứng. Ghi rõ căn phòng bạn cọc là phòng số bao nhiêu? Tầng mấy, tránh trường hợp trống phòng nào giao phòng đó. Và phải có ngày nhận cọc, nhận bao nhiêu, ngày dọn vào. Đặc biệt, giấy đặt cọc phải có chữ ký của cả hai bên để tránh việc kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ lật lọng giữa chừng. Đấy khi đi đặt cọc phòng mọi người phải xem xét đảm bảo hết các nội dung trên thì mới “trao tiền” nhé.

- Quan sát hàng xóm xung quanh

Như mình đã đề cập ở trên hàng xóm có thể cho bạn biết đặc tính phòng trọ nơi bạn thuê đấy nên hãy lưu ý kỹ vấn đề này. Khi quan sát hàng xóm mà là nhớ quan sát thôi nha, chứ đừng có nhìn họ chằm chằm… vậy không hay đâu. Hãy xem hàng xóm của bạn thuộc thành phần nào trong xã hội. Vì bạn đi học nên tránh những khu trọ dành cho công nhân ra, vì những nơi này họ thường tụ tập nhậu nhẹt, ồn ào rất khó tập trung để học được. Nếu bạn là nữ thì cũng để ý xem khu trọ có nhiều nữ sống hay không, tỉ lệ cân bằng thì tốt, còn không có nữ nào hoặc quá ít nữ thì nên cân nhắc. Khu trọ mà nhiều sinh viên nam cũng thường bị ồn ào, phức tạp. Ảnh hưởng tới việc học hành rất là nhiều.

3. Chú ý khi ký kết đồng cho thuê nhà, phòng trọ

 E hèm, chỗ này chúng mình sẽ phân tích kỹ để mọi người có thể hình dung vì đây là bước quyết định để mọi người có một chỗ ở tốt, vững chắc về mặt pháp lý khi ở và không có bất cứ rủi ro đáng tiếc nào xảy ra sau đó.

Như chúng ta đã biết: Giao dịch thuê nhà ở là một giao dịch thuê tài sản, theo Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Khi ký kết hợp đồng thuê nhà, phòng trọ mọi người cần phải lưu ý những nội dung sau:

  • Chi tiết giá thuê, áp dụng giá đó trong thời gian bao lâu, đến khi nào sẽ tăng giá (nếu có), tỉ lệ tăng không quá bao nhiêu phần trăm. Mọi người nắm rõ vấn đề này để không bị chủ nhà bắt chẹt, tăng giá thuê bất hợp lý. Điều 129 Luật Nhà ở có
  • Kỳ hạn thuê nhà (theo tháng hay theo năm). Theo đó: Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê (Quy định tại điều 129 Luật nhà ở )
  • Hợp đồng cần liệt kê đầy đủ thông tin về phí thuê nhà và khác loại phí khác
  • Ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn thuê nhà
  • Điểm cần lưu ý trước ngày kết thúc hợp đồng: ví dụ như thỏa thuận trả lại cọc cho người thuê khi kết thúc hợp đồng

Những vấn đề liên quan đến “điều khoản phá vỡ hợp đồng”: như 2 bên được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi nào, nếu không thuộc các trường hợp quy định sẽ bồi thường thiệt hại ra sao

Bên cạnh đó, hợp đồng phải quy định rõ việc thay đổi công năng, vật dụng, sơn sửa nhà... sẽ do ai chi trả, tránh sau này không ở nữa sẽ bị chủ nhà lấy cớ trừ tiền cọc.

Trên đây là một số lưu ý khi sinh viên hay người lao động thuê phòng trọ, nhà ở. Hi vọng bài viết này bổ ích giúp mọi người bảo vệ quyền lợi của mình khi đi thuê phòng trọ.

(có 4 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
4.720