Lời khuyên dành cho thí sinh “thích Luật nhưng rụt rè”

Nếu bạn thích ngành Luật và lựa chọn nó là con đường riêng của mình, sẽ có nhiều thứ cần bạn chuẩn bị để bước vào hành trang mới. NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT sẽ có một serie bài viết để chia sẻ những thứ cần chuẩn bị, cần rèn luyện để các bạn tân sinh viên Luật bước vào con đường mình lựa chọn một cách vững tâm hơn. Đầu tiên, bài viết này dành cho những bạn thích Luật, lựa chọn ngành Luật nhưng tự bản thân mình thấy mình là người rụt rè, nhút nhát.

 Lời khuyên đầu tiên và mang tính cốt lõi dành cho bạn là: Đừng sợ.

1. Học Luật giúp bạn mạnh mẽ hơn, không phải mạnh mẽ mới học được ở trường Luật

Đã có nhiều sự ngộ nhận từ những người chưa từng trải qua trường Luật, có những định kiện sai lầm về trường Luật. Và suy nghĩ phải mạnh mẽ mới học tốt ở trường Luật là một trong những định kiến sai lầm đó.

Dưới sự ảnh hưởng của phim ảnh, báo chí và truyền thông, hình ảnh những người Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên… là những người “ăn to nói lớn”, mạnh mẽ trong tranh biện, tinh tế khi hỏi cung… vô tình những hình ảnh, ấn tượng này khiến bạn lo lắng, liệu rằng với tính cách “hơi hiền” của mình có sống tốt ở trường Luật hay không, bạn lo lắng rằng ngành Luật có thật sự phù hơp với mình hay không…

Thực tế những năm gần đây một số trường đào tạo ngành luật như Đại học Luật TP.HCM, Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) đều có những đề thi đánh giá năng lực dành riêng cho những thí sinh dự tuyển vào trường. Ngoài ra, những trường có đào tạo ngành Luật khác cũng tuân theo những quy định tuyển sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua. Khi vượt qua những “cửa ải” này, mặc định chúng ta hiểu rằng thí sinh đã có điều kiện cần để học ở trường Luật, có khả năng theo học ngành Luật.

2. Cách học ở trường Luật sẽ giúp bạn tự tin hơn

Việc bạn vốn rụt rè, nhút nhát không quan trọng. Bởi khi bước vào trường Luật, cách giảng dạy của các thầy cô, cách học tập ở đây sẽ giúp bạn tự tin hơn trước đám đông, giúp bạn ăn nói lưu loát và mạch lạc hơn.

Điều này được hình thành qua cách học và thuyết trình. Hầu như đa số những môn học ở trường Luật các thầy cô đều yêu cầu sinh viên làm bài tập nhóm và thuyết trình đề tài được giao. Việc chia nhóm làm việc sẽ giúp sinh viên rèn luyện được kỹ năng làm việc nhóm từ khi còn ở giảng đường.

Và thuyết trình chính là “đất” để rèn luyện, xóa bỏ đi những tự ti, rụt rè và nhút nhát. Điều quan trọng nhất là chính bản thân bạn nên có trách nhiệm với chính bản thân mình, có trách nhiệm với nhóm học tập của mình. Đừng né tránh việc thuyết trình, cho dù ban đầu có thể nó khiến bạn thấy sợ hãi.

Song song với thuyết trình là những buổi tranh luận và phản biện xuyên suốt những năm học Luật. Khi nhóm bạn trình bày một chủ đề được giao, các nhóm khác trong lớp sẽ có những ý kiến phản biện, và bạn sẽ phải dùng lý lẽ, luận điểm của mình để phản bác lại những phản biện đó, để bảo vệ cho luận điểm của mình.

Với việc học và rèn luyện như trên, qua thời gian, trải nghiệm và sự  dũng cảm đương đầu với sự sợ hãi. Bạn sẽ trở nên tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, logic hơn trong tư duy và lời nói. Những thay đổi trên sẽ không đến tức thời, bạn sẽ không thấy ngay kết quả. Vì nó đòi hỏi một thời gian dài rèn luyện và cố gắng. Đến khi bạn nhận thấy mình có sự chuyển biến, cũng chính là lúc bạn vượt qua những nỗi sợ hãi của sự rụt rè, nhút nhát mà bạn mang theo khi mới bước vào trường Luật.

Trường Luật là thách thức trước những tính cách rụt rè, nhút nhát nhưng cũng là cơ hội để sinh viên xóa bỏ đi những nhược điểm đó của mình. Nhưng để làm được việc đó, đòi hỏi mỗi sinh viên phải tự trang bị cho mình sự quyết tâm và sự kiên trì để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, muốn vươn lên thoát khỏi vỏ bọc của sự nhút nhát.

Theo Trương Nguyễn Thạch
3.356 
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng thực tập sinh hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng thực tập sinh
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng thực tập sinh hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng thực tập sinh