Một số lưu ý đối với mức lương thử việc theo Bộ luật lao động 2019

Thử việc là quá trình tiếp xúc làm quen với công việc, đánh giá hiệu quả lao động trước khi đi đến ký kết hợp đồng chính thức. Vậy trong quá trình thử việc NLĐ sẽ nhận được mức lương như thế nào và phải lưu ý những điều gì? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ thắc mắc trên.

>> Lương gross, lương net là gì? Chuyển lương gross sang net như thế nào?

Lương thử việc dành cho NLĐ theo BLLĐ 2019

Điều 26 BLLĐ 2019 quy định mức lương thử việc như sau:

“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”

Theo đó, khi thử việc, người lao động sẽ nhận được tiền lương theo thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng 85% tiền lương của công việc đó.

Một số lưu ý đối với mức lương thử việc theo Bộ luật lao động 2019

Trả lương thử việc như thế nào là trái luật?

Mặc dù cả BLLĐ 2012 và BLLĐ hiện hành đều quy định mức lương thử việc ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc đó. Tuy nhiên có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn áp dụng mức lương thử việc bằng 80% lương chính thức để trả cho NLĐ. Vì không hiểu rõ được quyền lợi của mình nên NLĐ thường thỏa hiệp mà không biết lương thử việc bằng 80% tiền lương đối với việc làm thử là trái luật.

Theo đó, nếu vi phạm người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính theo điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động hành vi sau đây: Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

Ngoài việc bị phạt tiền lên đến 05 triệu đồng, người sử dụng lao động trả lương thử việc thấp hơn mức 85% còn buộc phải trả đủ tiền lương theo mức này cho người lao động.

Lương thử việc cũng phải đóng bảo hiểm xã hội

Điều 24 BLLĐ năm 2019 quy định: Các bên có thể thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thay vì ký hợp đồng thử việc.

Trong khi đó, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 ghi nhận người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do đó, nếu các bên thỏa thuận về thử việc trong hợp đồng lao động, thì người lao động sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nói cách khác, người lao động sẽ phải trích một phần lương thử việc để đóng bảo hiểm.

Lương thử việc vẫn bị tính đóng thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động được xác định là thu nhập chịu thế thu nhập cá nhân (TNCN). Do đó, tiền lương thử việc cũng được tính là khoản thu nhập chịu thuế TNCN.

Vì vậy, trước khi trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động được phép trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người lao động theo khoản 1 Điều 25 Thông tư 111.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.314