Năm 2022, Lễ Quốc khánh Việt Nam 2/9 được nghỉ mấy ngày?

(có 14 đánh giá)

Ngày Quốc khánh Việt Nam 02 tháng 9 hằng năm là một ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Một trong những điều mà nhiều người lao động đang quan tâm thời điểm này là ngày Lễ Quốc khánh Việt Nam năm nay sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày 

>> Điểm chuẩn đại học ngành Luật năm 2021 (Đầy đủ nhất)

Lễ Quốc khánh năm 2022: Có thể được nghỉ 4 ngày liên tiếp

Năm 2022 là năm thứ hai áp dụng quy định mới về số ngày nghỉ Quốc khánh, theo quy định tại Điều 112 Bộ luật lao động 2019 thì:

"Điều 112. Nghỉ lễ, tết          

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.”

Năm 2022, Lễ Quốc khánh Việt Nam 2/9 được nghỉ mấy ngày?

Năm 2022, Lễ Quốc khánh Việt Nam 2/9 được nghỉ mấy ngày? (Hình từ internet)

Theo quy định trên, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 245/VPCP-KGVX ngày 11/01/2022 và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ra Thông báo 119/TB-LĐTBXH, tại Thông báo nêu rằng:

"2. Công chức, viên chức nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 01 tháng 9 năm 2022 đến hết ngày 02 tháng 9 năm 2022.

...

5. Căn cứ vào điều kiện thực tế, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động không thuộc đối tượng tại Khoản 1 Thông báo này được nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh như sau:

...

- Đối với dịp nghỉ lễ Quốc khánh: ngày 02 tháng 9 dương lịch và lựa chọn 01 ngày liền trước hoặc sau ngày 02 tháng 9;

- Thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 10 ngày;

- Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động;"

Như vậy, ngày Quốc khánh Việt Nam năm nay rơi vào ngày thứ sáu (02/9/2022) nên:

* Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: nghỉ liên tục 04 ngày (từ ngày 01/9 đến hết ngày 04/9);

* Đối với người lao động làm việc tại các đơn vị là doanh nghiệp khác: người sử dụng lao động được lựa chọn 01 trong 02 phương án:

- Phương án 1: Chọn nghỉ Quốc khánh vào ngày 01/9 và ngày 02/9:

+ Nếu doanh nghiệp có chế độ nghỉ 02 ngày/tuần (thứ bảy và chủ nhật): người lao động sẽ được nghỉ 04 ngày liên tục (từ ngày 01/9 đến hết ngày 04/9);

+ Nếu doanh nghiệp có chế độ nghỉ 01 ngày/tuần (chủ nhật): người lao động sẽ được nghỉ 02 ngày liên tục (từ ngày 01/9 đến hết ngày 02/9).

- Phương án 2: Chọn nghỉ Quốc khánh vào ngày 02/9 và ngày 03/9:

+ Nếu doanh nghiệp có chế độ nghỉ 02 ngày/tuần (thứ bảy, chủ nhật): người lao động sẽ được nghỉ 04 ngày liên tục (từ ngày 02/9 đến hết ngày 05/9, trong đó ngày 05/9 là ngày nghỉ bù do ngày nghỉ Quốc khánh trùng với ngày nghỉ hằng tuần);

+ Nếu doanh nghiệp có chế độ nghỉ 01 ngày/tuần (chủ nhật): người lao động sẽ được nghỉ 03 ngày liên tục (từ ngày 02/9 đến ngày 04/9).

Đi làm vào ngày Quốc khánh Việt Nam, tiền lương tính thế nào?

Nếu đi làm vào ngày nghỉ Lễ Quốc khánh Việt Nam, ngoài tiền lương ngày Lễ mặc nhiên được hưởng thì người lao động còn được hưởng tiền lương làm thêm giờ như sau theo quy định tại Điều 98 Bộ luật lao động 2019 và Điều 55, 56, 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

Trường hợp 1: đối với người lao động hưởng lương theo thời gian

Giả sử gọi A là Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, ta sẽ có công thức tính tiền lương làm thêm giờ như sau:

- Nếu làm thêm giờ vào ban ngày của ngày nghỉ Lễ = 300% A x số giờ làm thêm;

- Nếu làm thêm giờ vào ban đêm của ngày nghỉ Lễ = [300% A + 30% A + (20% x 300% A)] x số giờ làm thêm vào ban đêm

Lưu ý: Mức 300% A và 30% A là mức ít nhất theo quy định mà người lao động được nhận từ người sử dụng lao động.

Trong đó A được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm).

Tiền lương thực trả này không bao gồm: tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Trường hợp 2: đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm

Giả sử gọi B là Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, ta sẽ có công thức tính tiền lương làm thêm giờ như sau:

- Nếu làm thêm giờ vào ban ngày của ngày nghỉ Lễ = 300% B x số sản phẩm làm thêm;

- Nếu làm thêm giờ vào ban đêm của ngày nghỉ Lễ = [300% B + 30% B + (20% x 300% B)] x số sản phẩm làm thêm ban đêm.

Lưu ý: Mức 300% B và 30% B là mức ít nhất theo quy định mà người lao động được nhận từ người sử dụng lao động.

(có 14 đánh giá)
Ngọc Duy
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.941