Người phụ nữ tổ chức đám tang giả cho mình sẽ bị pháp luật xử lý ra sao?

Một người phụ nữ ở Sóc Trăng mua một quan tài ở Đồng Tháp thuê người chở về quê ở Sóc Trăng để gia đình làm đám tang giả cho mình. Sau đó bị cơ quan chức năng phát hiện, vậy người này sẽ bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật.

Tóm tắt sự việc

Ngày 31/3, theo thông tin trên báo Giao thông, lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết cơ quan công an đang tiến hành điều tra, làm rõ một vụ tổ chức làm đám tang giả, xảy ra trên địa bàn.

Theo lãnh đạo huyện Cù Lao Dung, khi làm việc với người nhà của bà Trần Thị Tuyến (khoảng 60 tuổi, ngụ ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung) được biết, bà Tuyến làm ăn bên Campuchia có thiếu nợ và bị chủ nợ sát hại.

Sau đó, đưa thi thể về Đồng Tháp rồi thuê xe chở quan tài về địa phương vào chiều 29/3, để gia đình tổ chức đám tang cho bà Tuyến. Gia đình cũng tiến hành làm đám tang cho người phụ nữ này theo phong tục địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan công an địa phương thấy có sự bất thường, vì nếu có án thì cơ quan điều tra nơi xảy ra sự việc phải tổ chức các thủ tục điều tra. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Chia sẻ thêm về vụ việc này trên Zing, ông Lê Minh Đương, Phó chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, "Các con của bà Tuyến nói mẹ bị sát hại ở tỉnh khác nên đưa thi thể về quê làm đám tang. Công an địa phương thấy có sự bất thường vì nếu có án thì cơ quan điều tra nơi xảy ra sự việc phải tổ chức các thủ tục điều tra theo quy định. Từ khuất tất này, chúng tôi yêu cầu lực lượng chức năng mở quan tài để khám nghiệm tử thi thì phát hiện bên trong chỉ có 3 bao cát", ông Đương nói.

Theo ông Đương, sau khi trích xuất camera an ninh, cơ quan chức năng xác định con trai của bà Tuyến đã chở mẹ đi mua quan tài tại Đồng Tháp vào chiều 29/3.

Hành vi trên sẽ bị xử lý ra sao?

Hành vi trên sẽ bị xử lý ra sao thì cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét, điều tra làm rõ nhiều yếu tố như động cơ, mục đích chính xác mà người phụ nữ trên tự tổ chức đám tang giả cho mình.

Trường hợp 1:

Nếu bà Tuyến tổ chức đám tang với mục đích nhận tiền phúng điếu của người đi viếng thì người phụ nữ này cùng thân nhân có thể bị xem xét xử lý tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 2 điều 174 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ở khung hình phạt tù từ 02 – 07 năm với trường hợp “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp 2:

Nếu bà tuyến giả chết nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ thì người phụ nữ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đối với tội danh này cơ quan chức năng phải làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản cũng như số tiền mà bà Tuyến đã chiếm đoạt của người khác để xác định hình phạt. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù 20 năm nếu tài sản chiếm đoạt trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.416 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Sóc Trăng hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Sóc Trăng
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Sóc Trăng hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Sóc Trăng