Những điều cần biết về chế tài bồi thường thiệt hại

Chế tài bồi thường thiệt hại là chế tài vô cùng quan trọng và được áp dụng phổ biến trong hoạt động thương mại. Hôm nay Nhân Lực Ngành Luật sẽ phân tích để bạn phần nào hiểu rõ hơn về loại chế tài này.

Theo quy định tại Điều 292 Luật thương mại 2005, chúng ta có các loại chế tài sau đây:

(1) Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

(2)  Phạt vi phạm.

(3) Buộc bồi thường thiệt hại.

(4) Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

(5) Đình chỉ thực hiện hợp đồng.

(6) Huỷ bỏ hợp đồng.

(7) Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với quy định pháp luật.

Trong đó, chế tài bồi thường thiệt hại được xem là chế tài luật định. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài này như thế nào mới tạo ra hiệu quả thì không hề đơn giản tí nào đâu, và hiện vẫn còn tồn tại khá nhiều các quan điểm pháp lý xoay quanh.

Bồi thường thiệt hại là gì?

Thứ nhất: Về khái niệm

Chế tài bồi thường thiệt hại trong thương mại được quy định từ Điều 302 đến Điều 307 Luật Thương mại 2005. Trong đó, tại khoản 1 Điều 302 có đưa ra định nghĩa: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”.

Như vậy, bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm tài sản, theo đó bên vi phạm hợp đồng dẫn tới gây thiệt hại => phải trả một khoản tiền bồi thường cho bên bị vi phạm nhằm khôi phục lại lợi ích vật chất cho bên bị vi phạm.

Thứ hai: Về mục đích

Bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài nhằm bồi hoàn, khôi phục, bù đắp lợi ích vật chất bị mất của bên bị vị phạm.

Như vậy, mục đích của việc trả tiền bồi thường là để bù đắp cho bên bị vi phạm về những thiệt hại, chứ không phải để trừng phạt bên vi phạm. Do đó, đặc ra yêu cầu: Chế tài bồi thường thiệt hại cần được áp dụng sao cho bên bị vi phạm được hưởng những gì họ đáng ra có được nếu hợp đồng không bị vi phạm.

Thứ ba: Căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

(1) Có hành vi vi phạm hợp đồng;

(2) Có thiệt hại thực tế;

(3) Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

(Theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005)

Trong đó:

Hành vi vi phạm hợp đồng được hiểu là hành vi của một bên đã xử sự trái với những cam kết, thỏa thuận trước đó của các bên trong hợp đồng hoặc trái với quy định của pháp luật (nếu trong hợp đồng không quy định). Xét về bản chất, sự vi phạm được thể hiện ở hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ của hợp đồng.

Có thiệt hại thực tế được hiểu là những thiệt hại có phát sinh trực tiếp từ sự vi phạm hợp đồng. Những thiệt hại này hoàn toàn có thể xác định được và tính được bằng tiền. Theo quy định pháp luật hiện hành, thiệt hại thực tế bao gồm: (1) Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; (2) Và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại được hiểu là có mối quan hệ nhân quả, trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, những thiệt hại này là hậu quả của hành vi vi phạm; nếu không có hành vi vi phạm thì không có thiệt hại xảy ra.

Thứ tư: Xác định mức thiệt hại được bồi thường

Như đã đề cập trên, thiệt hại thực tế được xác định bao gồm:

1) Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra;

(2) Và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Trong đó:

Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp có thể được xác định bao gồm:

  • Giá trị hàng hóa, tài sản bị mất mát, hư hỏng;
  • Chi phí để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra như: các chi phí liên quan đến việc sửa chữa, phục hồi, loại bỏ khuyết tật của hàng hóa;
  • Tiền phạt vi phạm hợp đồng hoặc tiền bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải trả cho bên thứ ba do hậu quả trực tiếp của sự vi phạm hợp đồng gây ra,…

Về khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm được hiểu là khoản lợi nhuận mà bên bị vi phạm có được trong điều kiện phía bên kia thực hiện đúng nghĩa vụ. Khoản này còn được gọi tên là khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ như khoản lãi, thu nhập trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không vi phạm hợp đồng,… Lưu ý: Việc chứng minh khoản này sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi sự tính toán chi tiết và có sự so sánh với việc thực hiện các hợp đồng cùng loại khác.

Thứ năm: Nghĩa vụ khi áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại

Để có thể áp dụng được chế tài này, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải thực hiện nghĩa vụ sau đây:

Thứ nhất, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại

Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại được quy định tại Điều 304 Luật Thương mại 2005:

Theo đó, bên đòi bồi thường thiệt hại phải chứng minh có thiệt hại xảy ra, đồng thời phải chứng minh cả mức độ thiệt hại để làm cơ sở yêu cầu bồi thường. Và tất nhiên, nếu không chứng minh được thì xem như không có thiệt hại.

Các chứng cứ chứng minh sẽ rất đa dạng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, đó có thể là biên bản giám định; hợp đồng ký với bên thứ ba để sửa chữa, khắc phục thiệt hại; hóa đơn, chứng từ,…

Thứ hai, nghĩa vụ hạn chế tổn thất

Nghĩa vụ này đặt ra trách nhiệm: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý trong khả năng của mình để hạn chế tổn thất do sự vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên bị vi phạm không áp dụng biện pháp để hạn chế các thiệt hại xảy ra, thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt tiền bồi thường thiệt hại bằng với mức thiệt hại đáng lẽ có thể hạn chế được. (Theo quy định tại Điều 305 Luật Thương mại năm 2005)

Thứ sáu: Mối quan hệ giữa chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm trong Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại

Mặc dù cả Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 đều ghi nhận về chế tài bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với chế tài phạt vi phạm hợp đồng thì giữa chúng lại có sự khác nhau.

Trong hợp đồng thương mại, để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm thì bắt buộc các bên phải có thỏa thuận trong hợp đồng => và khi đó các bên mặc nhiên được áp dụng đồng thời cả hai chế này. Còn nếu các bên không thỏa thuận phạt vi phạm => thì chỉ được yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đối với hợp đồng dân sự, trường hợp các bên thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về áp dụng đồng thời phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại => thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm mà thôi (Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015). Như vậy, đối với hợp đồng dân sự: nếu các bên chỉ thỏa thuận phạt vi phạm, thì mặc nhiên chế tài bồi thường thiệt hại đã bị loại trừ và nó không được xem xét là chế tài luật định trong trường hợp này nữa - đây là điểm khác rất lớn với luật thương mại, nên mọi người hết sức lưu ý nhé)

Thứ bảy: Những lưu ý quan trọng

Thứ nhất, Đền bù thiệt hại cho việc thanh toán chậm

Một hình thức khác của chế tài bồi thường thiệt hại mà Luật Thương mại năm 2005 đã ghi nhận là “Đền bù thiệt hại cho việc thanh toán chậm”. Theo đó, nếu bên vi phạm hợp đồng chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó (Điều 306 Luật Thương mại 2005). Đây là trách nhiệm mặc định mà không cần phải chứng minh thiệt hại thực tế mọi người nhé.

Thứ hai, Vấn đề thỏa thuận bồi thường thiệt hại

Thỏa thuận bồi thường thiệt hại (hay còn được gọi là thiệt hại ước tính) được hiểu là các bên được quyền tự do thỏa thuận về mức bồi thường khi một bên vi phạm hợp đồng. Theo đó, mức bồi thường này có thể bằng, cao hơn hoặc thấp hơn thiệt hại thực tế diễn ra.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.952 
Việc làm mới nhất