Phóng vấn tuyển dụng là gì? Cần chuẩn bị những gì trước khi đi phỏng vấn?

Đây là câu hỏi tưởng chừng dễ trả lời nhưng thực tế không phải ai cũng trả lời đúng. Có những ngộ nhận, những cách hiểu sai về một buổi phỏng vấn tuyển dụng, điều đó vô tình khiến cho những bạn ứng viên đến với buổi phỏng vấn tuyển dụng với tâm thế không tốt và dễ bị thất bại.

 

Thực tế có rất nhiều người có tâm lý sợ buổi phỏng vấn. Có nhiều lý do cho việc này, có thể là chưa có kinh nghiệm, có thể là chưa quen, có thể là tâm lý sợ hãi, rụt rè, nhút nhát… Tuy nhiên suy cho cùng cho dù có là lý do nào như những lý do kể trên thì cũng xuất phát từ việc người ứng viên hiểu sai bản chất của cuộc phỏng vấn tuyển dụng và vô tình đẩy bản thân mình vào trạng thái hoang mang, lo lắng.

1. Phỏng vấn tuyển dụng là gì?

Cần phải xác định rõ ngay từ đầu, một cuộc phỏng vấn tuyển dụng như là một cuộc đàm phán. Ở đó, ứng viên là người chào hàng, nhà tuyển dụng ở đây là người mua hàng và hàng hóa ở đây là sức lao động. Ở buổi chào hàng đó, hai bên có thể làm quen, trao đổi với nhau để xác định rằng mình có thể “bán hàng” cho đối tác không, và phía nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận rằng có nên mua “hàng” của ứng viên này hay không. Như vậy có thể thấy, trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng, hai bên có sự bình đẳng và ngang hàng với nhau, và phỏng vấn tuyển dụng không phải là một cuộc thẩm tra nào cả, đơn giản là một buổi trò chuyện, trao đổi mà thôi.

phong van tuyen dung la gi

2. Mục đích hướng tới của buổi phỏng vấn tuyển dụng

a. Nhà tuyển dụng sẽ để tâm tới những vấn đề gì trong một buổi phỏng vấn?

- Ứng viên có thể làm được công việc ở vị trí mà công ty đang cần tuyển không?

- Tính cách ứng viên có phù hợp với văn hóa của công ty không?

- Sức khỏe ứng viên có đáp ứng được công việc hay không?

- Mức độ phù hợp của ứng viên là bao nhiêu? Có thể đào tạo hay không?

Ngoại trừ những công việc liên quan đến phần chuyên môn, kỹ thuật như lập trình, sinh hóa, xây dựng… thì những cuộc phỏng vấn khác với những công việc khác phần lớn tập trung vào đánh giá ứng viên có khả năng thích ứng với công việc hay không, vì đa số nhà tuyển dụng chỉ cần người phù hợp nhất chứ không cần người giỏi nhất.

b. Ứng viên sẽ quan tâm những gì trong một buổi phỏng vấn?

- Làm việc ở công ty sẽ có những lợi ích gì?

- Vị trí công việc ứng tuyển sẽ đem lại gì cho ứng viên? Có phù hợp với mục đích, định hướng nghề nghiệp của ứng viên hay không?

- Mức đãi ngộ, phúc lợi của công ty như thế nào?

Như vậy, có thể thấy trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng, cả hai đều có những mục đích của riêng mình, và làm thể nào để đạt được mục đích đó là tùy thuộc vào mức độ phù hợp giữa hai bên.

Từ đó ứng viên nên xác định tâm thế để đến với buổi phỏng vấn cho phù hợp, điều đó giúp bạn tránh được tâm lý lo lắng, sợ hãi khi đối mặt với nhà tuyển dụng trong một căn phòng kín.

3. Cần chuẩn bị những gì trước khi đi phỏng vấn?

a. Chuẩn bị về mặt tâm lý

Như đã đề cập ở trên, tâm lý là thứ quyết định sự thành bại của bạn trong buổi phỏng vấn tuyển dụng, cần phải đến phỏng vấn với tâm thế tự tin (không tự phụ).

b. Xem kỹ lại CV, resume

Những gì bạn đã thể hiện trong CV, resume để gửi tới nhà tuyển dụng chắc chắn nhà tuyển dụng đã xem kỹ mới quyết định gọi bạn đến phỏng vấn. Cho nên bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ, nắm hết những nội dung trong CV, vì đó chính là nơi mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi xoáy vào để khai thác thêm về tính cách, năng lực cá nhân của bạn.

c. Nghiên cứu về công ty mình ứng tuyển

Đã có rất nhiều trường hợp ứng viên rải nhiều hồ sơ ở nhiều công ty khác nhau, dẫn đến tình trạng không nắm bắt được nội dung công việc mà mình đang phỏng vấn, thậm chí không hiêu gì về công ty mà mình dự định ứng tuyển.

Hiểu đơn giản thế này, phỏng vấn cũng giống như một cuộc tìm hiểu trước khi tiến tới hôn nhân, không một ai muốn kết hôn với một người không hiểu gì về mình cả, thì nhà tuyển dụng cũng không muốn tuyển một người mà hoàn toàn không biết gì về mình, không giành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về mình.

Ngoài ra, việc tìm hiểu về công ty mình tới phỏng vấn sẽ giúp bạn đánh giá ngay từ ban đầu là công ty đó có thật sự phù hợp với bản thân mình hay không, ngành nghề hoạt động của công ty có thật sự phù hợp với bản thân mình hay không…

d. Nghiên cứu kỹ lại bảng mô tả công việc

Đối với từng yêu cầu trong bảng mô tả công việc (JD), bạn cần phải xem khả năng của mình đáp ứng được đến đâu trong yêu cầu đó, kinh nghiệm làm việc trước đây đã từng làm những việc đó chưa, làm như thế nào, mức độ hiệu quả ra sao? Đây chính là những điểm mà nhà tuyển dụng sẽ xoáy vào để khai thác, đánh giá kinh nghiệm làm việc của bạn.

e. Chuẩn bị những câu hỏi của riêng mình

Đối với việc này, cần đặc biệt tránh những câu hỏi mang tính sáo rỗng như “Đồng nghiệp có hòa đồng không”, “Định hướng công ty như thế nào”… blah blah…

Mà bạn nên có những câu hỏi đánh thẳng vào những vấn đề liên quan đến cá nhân mình nếu được nhận vào làm. Ví dụ như quy trình đào tạo công việc như thế nào, báo cáo công việc ra sao, văn hóa công ty như thế nào… Và đừng ngại những câu hỏi về lương, đãi ngộ, phúc lợi… vì đó là quyền lợi của chính bạn.

 

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.600