Quy tắc “quá tam ba bận” trong công việc

Trong môi trường văn phòng, mối quan hệ đồng nghiệp luôn là mối quan hệ đáng phát triển để bổ trợ trong công việc. Tuy nhiên không phải đồng nghiệp nào cũng “dĩ hòa vi quý” để giúp đỡ nhau. Dưới đây là quy tắc “quá tam ba bận” trong công việc mà bạn cần lưu ý khi gặp phải với đồng nghiệp nơi công sở.

Khi hỏi ai đó một chuyện gì, quá 3 tin nhắn họ chưa trả lời tức là họ không muốn trả lời

Trong quá trình trao đổi công việc không phải mọi chuyện đồng nghiệp sẽ đều sẽ chia sẻ và mách nước cho bạn. Vì vậy khi gửi tin nhắn đến đồng nghiệp thắc mắc một vấn đề gì đó mà mãi không được hồi âm mà tận 3 lần trở lên thì từ nay về sau hãy lưu ý đừng nhắc đến vấn đề này với họ lần nào nữa. Cố gắng tự tìm hiểu và hoàn thành nó, người ta không trả lời không phải vì không biết mà chỉ đơn giản là không muốn trả lời.

Một người nhờ bạn giúp không công 3 lần, đến lần thứ 4 trở đi đều được xếp vào loại lợi dụng

Chuyện đồng nghiệp giúp đỡ lẫn nhau trong công việc không có gì là quá xa lạ hay ghê gớm. Giúp đỡ từ chuyên môn làm việc hay mấy chuyện vặt: bưng bánh, rót nước, lấy đồ hộ vẫn thường hay xảy ra tuy nhiên có những việc rõ ràng họ có thể làm được và làm tốt nhưng vẫn nhất quyết nhờ đến sự trợ giúp của bạn mà bạn không có lợi lộc gì trong công việc đó thì hãy suy nghĩ lại. Làm người nên sống tốt, nhưng sống tốt quá hóa ra lại trở nên nhu nhược mà những người đang nhờ vả bạn đến một ngày họ sẽ xem điều đó là hiển nhiên.

Vậy nên tốt bụng chừng mực, giúp đỡ có giới hạn để mối quan hệ với đồng nghiệp cân bằng với nhau không ai nợ ai cũng không ai quá phụ thuộc vào ai.

Khi bạn nhờ ai đó một việc, quá 3 tin nhắn họ chưa xác nhận sẽ giúp, hãy tự làm hoặc tìm người khác

Lại quay trở lại vấn đề giúp đỡ lẫn nhau trong văn phòng. Nhiều việc có lẽ bạn không tự mình làm được nên có nhờ sự trợ giúp từ đồng nghiệp, tuy nhiên nếu đã đề cập vấn đề đó đến 3 lần mà không nhận được sự xác nhận rằng sẽ giúp sẽ hướng dẫn thì tốt nhất bạn nên tự mình hoàn thành hoặc tìm một người khác hướng dẫn. Lý do thì vẫn như cũ thôi, là do đồng nghiệp bạn bận hoặc đơn giản người ta không muốn giúp. Vậy nên đừng làm phiền họ thêm một tin nhắn nào mà hãy tự làm là tốt nhất.

Không nên nhận phần thiệt về mình quá 3 lần, khi bạn có chỗ đứng rồi thì nửa lần cũng không

Mình có một cô bạn đồng nghiệp hội tụ đủ đức tính này. Có lần công ty đặt đồ ăn về có một phần không có thìa vì vậy cô nàng chịu nhận phần đó và tự đi kiếm thìa ăn, lần khác là công ty đi picnic phần chuẩn bị đồ ăn bạn nào cũng ngó lơ cô ấy cũng đứng ra chịu trách nhiệm đi mua đồ và sơ chế sẵn ở nhà vậy là hôm sau mọi người xúng xính váy áo còn cô thì tay xách nách mang nào hộp nào túi. Ngay cả trong công việc cũng thế hạng mục nào khó nhất không ai phụ trách thì nó thuộc về cô ấy. Không phải cô ấy giỏi hơn người mà nói chính xác hơn là cô ấy giỏi chịu đựng.

Bởi vậy mới nói, đi chơi mọi người đều vui vẻ như nhau. Làm việc mọi người đều nhận lương gần ngang bằng nhau vậy cớ sao phải cứ ôm việc khó,chịu phần thiệt về mình. Nếu bạn là tuýp người giống cô bạn trong bài viết thì nên từ bỏ ngay đức tính này.

Việc gì trì hoãn quá ba lần cũng không tốt

Công việc không phải lúc nào cũng suông sẻ, chậm deadline là chuyện thường như ở huyện đối với dân văn phòng. Tuy nhiên, hãy có trách nhiệm với những việc mình đã được giao làm và phân công. Sếp có thể hiểu cho bạn lần 1 lần 2 nhưng trì hoãn việc quá nhiều lần thì phần đánh giá hiệu suất công việc của bạn chắc chắc không được cao thậm chí còn ảnh hưởng đến công việc chung của công ty vì vậy hãy cố gắng hoàn thành công việc được giao tốt nhất có thể trong khả năng của bạn.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
5.229