Thêm hai ngành đủ điều kiện làm đấu giá viên từ 01/01/2025?

(có 1 đánh giá)

Từ ngày 01/01/2025 sẽ có thêm hai ngành học đủ điều kiện làm đấu giá viên tài sản. Cập nhật những địa điểm đấu giá viên tài sản có thể làm việc theo quy định mới nhất.

Thêm hai ngành nào đủ điều kiện làm đấu giá viên năm 2025?

Tiêu chuẩn đấu giá viên được quy định tại Điều 10 Luật Đấu giá tài sản 2016 như sau:

Tiêu chuẩn đấu giá viên

Đấu giá viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

2. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

...

Tuy nhiên từ 01/01/2025 tiêu chuẩn của đấu giá viên sẽ có sự thay đổi. Cụ thể khoản 2 Điều 10 Luật Đấu giá tài sản 2016 sẽ được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024(có hiệu lực từ 01/01/2025), cụ thể như sau:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

...

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 10 như sau:

“2. Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng;

3. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11 của Luật này;”.

...

Như vậy, kể từ 01/01/2025 đấu giá viên tài sản ngoài các ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng thì sẽ có thêm 2 ngành học sau có thể trở thành đấu giá viên tài sản, gồm:

(i) Quản trị kinh doanh;

(ii) Kiểm toán.

Thêm hai ngành đủ điều kiện làm đấu giá viên từ 01/01/2025?

Thêm hai ngành đủ điều kiện làm đấu giá viên từ 01/01/2025? (Hình từ Internet)

Đấu giá viên có thể làm việc tại đâu?

Địa điểm đấu giá viên tài sản được quy định tại Điều 18 Điều 18 Luật Đấu giá tài sản 2016, có cụm từ bị thay thế bởi điểm c khoản 45 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024, cụ thể như sau:

Hình thức hành nghề của đấu giá viên

1. Đấu giá viên hành nghề theo các hình thức sau đây:

a) Hành nghề tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản;

b) Hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản;

c) Hành nghề tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

...

Như vậy, đấu giá viên có thể làm việc tại những địa điểm sau:

- Hành nghề tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản;

- Hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản;

- Hành nghề tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Lưu ý:

- Trường hợp đấu giá viên tài sản hành nghề tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thì được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016, pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về viên chức.

- Trường hợp đấu giá viên tài sản hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản thì sẽ thực hiện thông qua việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đấu giá tài sản. Mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Trường hợp đấu giá viên tài sản hành nghề tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thì được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và pháp luật về lao động.

Đấu giá viên có những quyền và nghĩa vụ nào?

Quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên tài sản được quy định tại Điều 19 Luật Đấu giá tài sản 2016 được sửa đổi bởi điểm a khoản 13 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 (có hiệu lực từ 01/01/2025), cụ thể:

Đấu giá viên có các quyền sau đây:

- Hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

- Trực tiếp điều hành phiên đấu giá; xử lý các tình huống phát sinh tại phiên đấu giá bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Điều 6 của Luật này;

- Truất quyền tham dự phiên đấu giá của người tham gia đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này;

- Dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại phiên đấu giá và thông báo cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản;

- Điều hành phiên đấu giá theo hợp đồng giữa Hội đồng đấu giá tài sản với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản nơi đấu giá viên hành nghề trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng thực hiện hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tự đấu giá;

- Hướng dẫn, giám sát việc tập sự của người tập sự hành nghề đấu giá;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Đấu giá viên có các nghĩa vụ sau đây:

- Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Luật này;

- Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện;

- Chịu trách nhiệm về các công việc do người tập sự hành nghề đấu giá mà mình hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này;

- Tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định tại Điều 20 của Luật này;

- Tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đấu giá theo quy định;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.094 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Đấu giá viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Đấu giá viên
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Đấu giá viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Đấu giá viên
Việc làm mới nhất