“Vì sao em nghỉ việc ở công ty cũ”, câu hỏi phỏng vấn tuy dễ nhưng khó trả lời

Trong những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra cho ứng viên, câu hỏi “vì sao em nghỉ việc ở công ty cũ” có lẽ là câu hỏi khiến nhiều ứng viên bối rối nhất. Lý do vì sao lại có hiện tượng bối rối này?

1. Dễ với những người may mắn

Tại sao tôi lại gọi đó là may mắn? Và tại sao người may mắn thì xem câu hỏi “Vì sao em nghỉ việc ở công ty cũ” dễ hơn người bình thường?

Trong quá trình đi làm, đi bán sức lao động một cách hợp pháp, chắc chắn ai cũng muốn tìm được một công ty với đãi ngộ tốt, đồng nghiệp thân thiện, sếp giỏi và tận tình và đó cũng có thể được xem là một sự may mắn của một người đi làm. Khi tìm được một môi trường làm việc lý tưởng như vậy, bản thân ai cũng muốn gắn bó và cống hiến.

Tuy nhiên tham vọng và mục tiêu của mỗi người là khác nhau, thậm chí đối với chính một người, mục tiêu và tham vọng của họ lại khác nhau qua từng giai đoạn trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc nhảy việc, tìm môi trường, tìm cơ hội mới dù đang làm trong một công ty những điều kiện lý tưởng là một chuyện không hiếm trong thị trường lao động hiện nay. Khi có một “mối tình” đẹp với một công ty, ở đó đãi ngộ tốt, đồng nghiệp yêu thương giúp đỡ nhau, sếp tận tình chỉ bảo, sáng suốt trong chỉ đạo… khi bạn trải qua một “mốt tình” như vậy, thì những hiềm khích, hằn học trong quá trình gắn bó chắc chắc phải rất nhỏ. Và khi bạn ra đi chắc chắn cũng là ra đi một cách êm đềm.

Với sự chia tay công ty cũ êm đềm như vậy, quả thật không khó để bạn trả lời với câu hỏi mà nhà tuyển dụng nêu ra. “Em ra đi vì có mục tiêu mới” “Em ra đi vì có định hướng mới cho bản thân, cho sự nghiệp…”. Thay vào đó là những câu trả lời mặc dù là sự thật, nhưng đầy tính tiêu cực mà tôi sẽ kể ra ở dưới đây…

2. Nhưng thật khó với những người “ít may mắn” hơn…

Như đã nói, khi đi làm, gặp được một môi trường làm việc tốt thì đó như là một may mắn, tuy nhiên không phải ai cũng có được những “may mắn” này. Thực tế cho thấy, có rất nhiều người đi làm kèm với từ “chấp nhận”. Có người đi làm gặp phải một người đồng nghiệp không tốt, chuyên môn kém, hay “mách lẻo”, nhiều chuyện. Có người lại gặp phải đồng nghiệp thích “nói xấu sau lưng”. Có người thì gặp một người sếp khó tính, có người thì gặp một môi trường công ty không tuân thủ pháp luật lao động… có rất nhiều chuyện có thể xảy ra trong một môi trường làm việc. Người nào ít may mắn thì gặp phải một trong những điều không hay đó, người nào ít hơn nữa thì gặp nhiều những chuyện “trái ngang”. Và chính từ những “trái ngang” đó, không ít những trường hợp bạn sẽ phải nghỉ việc.

Bạn nghỉ việc vì không hợp với sếp;

Bạn nghỉ việc vì đồng nghiệp “đâm chọt” “chơi xấu” sau lưng;

Với những trường hợp như vậy, thật khó để đưa ra một câu trả lời một cách hợp lý trong buổi phỏng vấn tuyển dụng,

3. Cần trả lời như thế nào?

a. Thật thà và thẳng thắn

Ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống có những sai lầm trong quá khứ không nhất thiết chúng ta phải nhắc lại và kể nó với người khác. Điều quan trọng nhất là bạn biết sai và sửa sai, không nhất thiết phải kể cho người khác về những sai lầm của mình khi điều đó không có lợi cho bạn. Con người ta có suy nghĩ ở điểm cận biên, chính vì vậy các bạn nên cân nhắc lựa chọn phương án xử lý cho riêng mình.

Ví dụ, bạn làm kế toán, làm sai sổ sách dẫn đến công ty bị thiệt hại, bạn bị kỷ luật sa thải. Khi ứng tuyển ở công ty mới bạn không nhất thiết phải kể những chuyện này ra mới nhà tuyển dụng.

Ví dụ, khi bạn làm pháp chế, rà soát hợp đồng bị lỗi, dẫn đến công ty bị thiệt hại và bi sa thải.

Ở đây, tôi không cổ súy cho việc nói dối, tôi chỉ đưa ra lời khuyên để các bạn lựa chọn giải pháp tốt nhất cho mình. Có thể từ những lối sai lầm trong quá khứ đó khiến bạn bị mất việc. Nhưng nếu bạn thẳng thắn nhìn nhận vào cái sai của mình, bạn hiểu và nhận ra cái sai đó và bạn biết cách thể hiện, chứng minh rằng trong tương lai bạn sẽ không lặp lại sai lầm tương tự. Thì có thể, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao về sự thành thật, về tinh thần dám nhận sai và sửa sai của bạn.

“Vì sao em nghỉ việc ở công ty cũ”, câu hỏi phỏng vấn tuy dễ nhưng khó trả lời

Là con người, chắc chắn ai cũng có lúc sai lầm, trong công việc cũng không phải ngoại lệ, và khi sai lầm việc nhận ra cái sai, biết cách sửa sai và sửa được cái sai của mình mới là điều quan trọng nhất.

Với những trường hợp việc chia tay công ty cũ vì lý do ngoại tác. Ví dụ như do sếp “đì”, do ức chế vì đồng nghiệp “khó ở”, vì phúc lợi công ty không tốt… Thì bạn cần càng phải thật thà hơn nữa. Thông qua những lý do mà bạn trả lời đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá và hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của bạn ở một môi trường làm việc. Và thông qua những câu trả lời đó, bạn cũng sẽ hiểu thêm về môi trường làm việc của công ty mà bạn đang ứng tuyển đó. Điều đó giúp cả hai hiểu nhau hơn, đánh giá về nhau chính xác hơn để có thể lựa chọn là có gắn bó, đồng hay hay không.

b. … kèm với đó là sự chân thành

Với 02 trường hợp kể trên, dù là chia tay với công ty nào đi nữa, với lý do như thế nào đi nữa, và cách trả lời của bạn như thế nào đi nữa thì chứa trong câu trả lời đó phải có sự chân thành.

Ví dụ bạn bị sa thải vì mắc lỗi trong công việc, trong câu trả lời của bạn về lý do nghỉ việc, bạn nói ra về nhũng sai sót của mình. Kèm theo đó là bạn phải tìm cách thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã hiểu, đã biết cách khắc phục lỗi sai để đảm bảo không lặp lại. Đương nhiên trong câu nói, tron cách trả lời phải có sự chân thành để thuyết phục người đối diện.

Ví dụ bạn nghỉ việc vì bị “sếp” đì. Sếp ở đây thường là sếp trực tiếp, trực tiếp liên quan với công việc hằng ngày. Bạn cứ thẳng thắn trả lời, chân thành bày tỏ nguyện vọng để nhà tuyển dụng hiểu bạn cần một người “leader” như thế nào để bạn có thể phối hợp làm việc tốt, năng suất cao.

Trong trường hợp này, sự chân thành quyết định sự thành bại cho câu trả lời của bạn.

 

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.783