Sinh viên luật nên đọc tài liệu luật thế nào cho hiệu quả?

(có 1 đánh giá)

Em hiện tại đang là sinh viên năm nhất của một trường đào tạo ngành luật. Em muốn biết có cách nào để trong việc đọc tài liệu luật vừa hiệu quả vừa đảm bảo chất lượng? – Phương Ánh (Nghệ An)

Việc đọc tài liệu luật đối với sinh viên luật không còn điều gì xa lạ. Tuy nhiên có một số trường hợp đến kỳ thì rồi mới đọc hoặc có sự chuẩn bị từ đầu nhưng cách đọc chưa đúng dẫn đến chưa hiểu hết bản chất của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật..

Sinh viên luật nên đọc tài liệu luật thế nào cho hiệu quả?

Sinh viên luật nên đọc tài liệu luật thế nào cho hiệu quả? (Hình từ Internet)

1. Có phải chỉ có sinh viên luật là người nên đọc tài liệu luật?

Không phải cứ gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến pháp lý thì cũng phải cần sự hỗ trợ của luật sư hay các chuyên gia luật. Đôi lúc sẽ có những điều mà bạn chỉ cần tìm văn bản quy phạm pháp luật và đọc hiểu nội dung mà bạn muốn giải quyết là đã có thể tự tìm ra đáp án cho mình rồi.

Dù bạn là sinh viên luật, nhân viên công ty luật, luật sư, chuyên viên pháp chế,… hoặc chỉ là một người bình thường thì cũng đều nên đọc luật.

Đặc biệt nếu là đã là một sinh viên luật thì đừng để đến kỳ thì rồi mới đọc, mới ghi chú và cố gắng nhớ và cố gắng hiểu bản chất của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Nếu vẫn còn giữ thói quen này thì bạn nên thay đổi, cải thiện cách đọc tài liệu luật sao cho hiệu quả vì sự trau dồi kiến thức pháp luật là cả một quá trình lâu dài chứ không phải là vài ba tiếng đồng hồ trước khi thi hay lật đọc vài trang luật là đã hiểu hết tường tận các hàm ý của từng quy định.

2. Nguyên nhân của việc đọc tài liệu luật không hiệu quả?

Khi bạn đã dành thời một khoảng thời gian để cầm một tài liệu nào đó để đọc thì cần phải xuất định rằng mình đọc nó nhằm mục đích gì và sẽ thu lại được gì từ việc đó? Sẽ có một số yếu tố khách quan và chủ quan khách cách đọc tài liệu luật hiện tại của bạn đang có vấn đề.

Đầu tiên là đọc nhưng không truy xuất được dữ liệu khi cần hoặc đọc nhưng không áp dụng được hay đọc nhưng không tiếp nhận được thông tin đó vào não bộ. Điều này thường xuất phát từ nguyên nhân khi đọc không tập trung, hoặc như nhiều bạn hay nói – cứ cầm luật lên là buồn ngủ.

Nhưng kể cả khi bạn đã quyết tâm tập trung hết mức có thể, nếu bạn chỉ đọc chay, đọc xuông, đọc từ đầu đến cuối của một tài liệu luật nhưng không hiểu quả, không đúc kết được gì hay không tiếp nhận được các thông tin gì là điều hết sức bình thường.

Đây có thể là nguyên nhân chính yếu khiến nhiều bạn dù đã cố gắng nhưng không thể “dung nạp” được các quy định pháp lý.

Tiếp đến là bạn đọc và bạn hiểu nó nhưng cách đọc văn bản chưa có sự sắp xếp khoa học, chưa thống nhất hướng đọc sao cho hiểu quả, có vấn đề gì liên quan thì tìm đến quy định đó hay thấy điều luật đó hay hay là đọc mà bỏ quên các yếu tố khác có liên quan có thể viện dẫn đến quy định bạn đọc, Điều này có thể dẫn đến đọc có thể đúng nhưng chưa đủ, chưa sâu sắc để tìm ra hướng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.

Khi bạn tìm được văn bản luật có quy định mà mình cần, điều tiên quyết là bạn cần phải xác định rằng văn bản đó có hiệu lực để áp dụng cho trường hợp mình hay không? Nếu không xác định được hiệu lực của văn bản thì việc đọc tài luật của bạn sẽ trở nên vô bổ bởi vì nếu sử dụng quy định hết hiệu lực thì bạn sẽ giải quyết vấn đề đó không còn chính xác với hiện tại.

Ngoài hiệu lực thì việc không đọc đúng đối tượng điều chỉnh quy định cũng là một nguyên nhân dẫn việc đọc tài luật của bạn cũng đang có vấn đề? Chẳng có một ai đi tìm một quy định để giải quyết vấn đề cho đối tượng A mà lại tìm nội dung quy định áp dụng cho đối tượng B cho dù ở cùng một văn bản quy phạm pháp luật.

Qua đó có thể thấy rằng, việc đọc không hiểu hay đọc mà hiểu nhưng không biết cách đọc đúng cũng là những nguyên nhân khiến sinh viên luật gặp khó khăn trong học tập cũng nhưng là tự tìm đáp án để giải quyết vấn đề cho mình. Do đó cách xác định đọc tài liệu luật sao cho hiệu quả là điều mà sinh viên luật cần phải lưu tâm từ những bước đầu tiên trong con đường học luật của mình.

3. Giải pháp nào cải thiện đọc liệu luật có hiệu quả cho sinh viên luật?

Là sinh viên luật, đôi khi bạn cảm thấy có quá nhiều tài liệu và sách giáo khoa phải đọc trong khi quỹ thời gian thì eo hẹp. Sự tiến bộ trong học tập của bạn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng “tiêu thụ” hết số tài liệu này.

Điều nó đòi hỏi ở bạn chỉ là thời gian và sự kiên nhẫn, điều nó mang lại thì rất nhiều, không chỉ là việc trở ưu tú trong quá trình học tập, điểm cao trong kỳ thi – như nhiều bạn hằng mong muốn, mà còn là background vững chắc để bạn xây dựng chuyên môn và tiếp thu các kinh nghiệm thực tế, phát triển và tiến xa hơn trong nghề luật bằng cách nắm vững gốc rễ.

Sau đây là một số gợi ý hữu ích giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc tài luật luật của mình vừa nhanh vừa hiệu quả:

(1) Tạo sự tập trung cho chính mình bằng cách xem lướt qua bài đọc trước khi bạn thật sự ngồi đọc từng chữ:

Đầu tiên, hãy lướt qua nó, để làm quen sơ bộ với cuốn luật mà bạn sắp đọc, trong đó chú ý một số điều sau đây:

- Xem thông tin về văn bản như: tên của văn bản luật, ngày ban hành, ngày có hiệu lực, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Việc kiểm tra ngày có hiệu lực là điều tối quan trọng, để bạn đảm bảo rằng, văn bản mình đang đọc đang có hiệu lực ở thời điểm hiện tại, để bạn áp dụng đúng luật, đúng thời điểm.

Tương tự, bạn cũng cần xem phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, để đảm bảo áp dụng luật đúng đối tượng. Đã có không ít lần mình cặm cụi tìm hiểu quy định cụ thể để giải quyết vấn đề, sau đó khi nhìn lên phần phạm vi điều chỉnh mới giật mình nhận ra rằng văn bản đó không áp dụng hoặc không bắt buộc áp dụng cho trường hợp của mình.

- Xem phần mục lục để bạn có thể hình dung được cấu trúc của văn bản luật đó ra sao, bao gồm bao nhiêu chương, mỗi chương nói về vấn đề gì… Điều này sẽ giúp bạn nắm bắt được tổng quát văn bản luật mà bạn đang đọc, và dễ dàng tìm nhanh một quy định nào đó khi xử lý các vấn đề liên quan.

Bạn không cần phải thuộc hay cố nhớ, chỉ cần nắm bắt sơ bộ cấu trúc, sau này mỗi truy vấn hay tìm kiếm đều trở nên dễ dàng hơn nhiều.

- Đọc lướt toàn bộ văn bản luật để biết nó sẽ có những gì, có những mục, chương gì rồi sau đó hình dung trong đầu của mình một hình ảnh tổng quát của văn bản luật đó.

Lưu ý đọc lướt phải phải là đọc thành tiếng hoặc đọc lướt mà đọc lại một vấn đề nhiều lần. Với kiểu đọc như vậy sẽ khiến bạn đọc chậm, tốn nhiều thời gian

(2) Đọc kỹ, đọc theo ý và đặt các câu hỏi chi tiết hóa/câu hỏi phản biện

- Đọc kỹ từng điều: Đây là một trong những phần quan trọng quyết định đến việc hiểu kỹ và nhớ luật một cách tự nhiên mà không cần cố ghi nhớ về mặt câu chữ. Sau khi đọc lướt xong một lượt, bạn hãy quay lại từ đầu, và đọc kỹ từng điều luật.

- Đặt các câu hỏi tại sao hoặc các câu hỏi cụ thể hóa một nội dung mà bạn chưa rõ: Việc đặt ra các câu hỏi chính là thao tác về mặt tư duy nhằm nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng điều luật mà bạn đang đọc và điều này bạn làm càng kỹ thì sẽ càng khắc sâu vào não bộ điều luật đó, giúp bạn nhớ lâu và sâu hơn mà không cần phải cố học thuộc.

Tất nhiên, việc này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn luyện tập. Nó thử thách bạn hơn nhiều so với việc “đọc chay”, chỉ mở văn bản luật ra và đọc từ đầu đến cuối. Nhưng nếu bạn tập luyện thành công thì thành quả mà nó mang lại sẽ là cái lâu dài bền vững, xứng đáng để bạn bỏ công sức ra.

(3) Đặt những câu hỏi trước khi đọc tài liệu luật

Nếu như ở (2) là đọc luật rồi đặt ra các câu hỏi thì pương pháp này là ngược lại, đặt ra các câu hỏi rồi mới dùng đến luật để trả lời. Nó giống như nhìn vấn đề ở góc đối lập vậy.

Ví dụ, khi đọc luật bạn sẽ thấy “doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”, doanh nghiệp bao gồm các loại hình: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, và doanh nghiệp tư nhân.

Ở bước này, bạn sẽ tiếp cận từ việc đặt ra câu hỏi: doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp bao gồm những loại hình nào?

(4) Hệ thống hóa các văn bản luật

Sau khi đã hoàn thành xong tất cả những nội dung trên, có thể bạn đã nhớ một điểm chính và hiểu rất rõ các quy định pháp luật mà bạn đọc rồi. Tuy nhiên, sự tồn tại của phương pháp này sẽ giúp bạn hiểu vấn đề một cách có hệ thống và toàn diện hơn.

Kỹ năng hệ thống hóa kiến thức là một trong những điều mà mình thấy đa số các bạn sinh viên đều thiếu. Kể cả mình khi còn là sinh viên cũng thế.

Nếu như bạn đọc Luật Doanh nghiệp, và bạn biết nó là luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến các loại hình doanh nghiệp với các quy định abc, xyz… – điều đó đúng, nhưng chưa đủ.

Hãy như vấn đề một cách rộng hơn, chẳng hạn như doanh nghiệp là một chủ thể trong nền kinh tế – luật doanh nghiệp điều chỉnh chủ yếu đối với chủ thể này, nhưng chủ thể này còn có rất nhiều hoạt động và nghĩa vụ được điều chỉnh bởi các luật khác: như việc tuyển dụng và thuê người lao động làm việc (luật lao động), vấn đề kế toán và lưu giữ sổ sách (luật kế toán), vấn đề thuế (các luật thuế),….

(5) Thường xuyên đọc lại và cập nhật tin tức liên quan

Như đã nói, việc trau dồi kiến thức pháp luật là cả một quá trình dài nên đừng quên việc thi thoảng mang luật ra đọc lại. Biết đâu khi đọc lại, bạn sẽ phát hiện ra một số vấn đề khác mà lần trước chưa phát hiện ra được.

Và cũng đừng quên việc cập nhật thường xuyên tin tức liên quan đến lĩnh vực luật đó, nhất là khi diễn ra các kỳ họp Quốc hội. Bởi luật pháp không phải là điều gì cứng nhắc và cố định, mà nó được thay đổi, cập nhật để phù hợp với sự phát triển của các quan hệ xã hội theo từng thời kỳ.

 

(có 1 đánh giá)
Trần Thanh Rin
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.741 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm thực tập sinh hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm thực tập sinh
Click vào đây để xem danh sách Việc làm thực tập sinh hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm thực tập sinh