Cần làm gì nếu công ty cũ không chịu chốt sổ BHXH?

(có 1 đánh giá)

Sổ Bảo hiểm xã hội là căn cứ để giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động. Thế nhưng thực tế nhiều NLĐ lao động đã chấm dứt hợp đồng ở công ty cũ nhưng vẫn không được công ty giải quyết chốt sổ BHXH. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của NLĐ. Vậy, cần phải làm gì nếu công ty cũ không chịu chốt sổ BHXH?

>> Từ năm 2022 mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/ tháng

>> Cách tính mức hưởng BHXH một lần

>> Ứng dụng VssID và những điều người tham gia BHXH cần biết

1. Trách nhiệm chốt sổ BHXH thuộc về ai?

Theo khoản 5 Điều 21 Luật BHXH 2014, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho NLĐ. Đồng thời người sử dụng lao động xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc chốt sổ BHXH cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động.

2. NLĐ cần làm gì nếu không được chốt sổ BHXH?

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, nếu gặp trường hợp doanh nghiệp “chơi nhây” không chịu giải quyết chốt sổ BHXH thì người lao động có thể lựa chọn thực hiện một trong các cách sau:

Gửi đơn khiếu nại đến chính NSDLĐ

Trường hợp công ty cũ cố tình không chốt sổ BHXH, người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến chính người sử dụng lao động. Nếu không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết thì có thể gửi khiếu nại lần 02 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.

Khởi kiện tại Tòa án

Nếu không muốn giải quyết bằng việc khiếu nại, người lao động có thể chọn giải quyết bằng cách khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 24/2018 quy định 03 trường hợp người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án:

- Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

- Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;

- Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.

Do đó, người lao động khi có một trong các căn cứ trên có thể trực tiếp khởi kiện tại Toà án yêu cầu giải quyết việc doanh nghiệp không chịu chốt sổ BHXH.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật lao động, tranh chấp lao động cá nhân phải tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, theo điểm d khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động 2012, tranh chấp về bảo hiểm xã hội lại là một trong những trường hợp không bắt buộc phải hòa giải.

Vì vậy, người lao động trong trường hợp này cũng có thể chọn giải quyết theo thủ tục hòa giải thông qua hòa giải viên lao động. Nếu không hòa giải được thì sau đó có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thêm vào đó theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ có thêm biện pháp giải quyết tranh chấp lao động về bảo hiểm. Theo đó, người lao động có thể lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động trước khi khởi kiện tại Tòa án. Việc giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội bởi Hội đồng trọng tài lao động sẽ không được tiến hành đồng thời với yêu cầu khởi kiện.

3. Doanh nghiệp không chịu chốt sổ BHXH cho người lao động bị xử lý ra sao?

Tại khoản 3, Điều 39 Nghị định 12/2022 có hiệu lực từ ngày 17-1-2022 quy định về  phạt hành chính đối với người sử dụng lao động không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng BHTN cho NLĐ để NLĐ hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN theo quy định.

Mức phạt đối với hành vi trên là từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Như vậy, khi người sử dụng lao động không thực hiện chốt sổ để NLĐ thực hiện các thủ tục hưởng quyền lợi BHXH, BHTN thì sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

(có 1 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.930