KPI là gì? Doanh nghiệp có được trừ lương người lao động khi không đạt KPI không?

(có 1 đánh giá)

Doanh nghiệp có được trừ lương người lao động khi không đạt KPI không? Lương KPI của người lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Mong được hỗ trợ giải đáp sớm! Đây là câu hỏi của anh X.N đến từ Nghệ An.

KPI là gì? 

KPI theo tiếng anh là viết tắt của Key Performance Indicator có nghĩa là chỉ số đánh giá thực hiện công việc, là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng hay cá nhân.

Các tổ chức, doanh nghiệp thường sử dụng KPI ở nhiều cấp độ khác nhau để đánh giá mức độ thành công của họ đối với một mục tiêu đề ra từ trước. KPI ở level cao sẽ tập trung vào các chỉ số, mục tiêu chung của toàn doanh nghiệp. Ngược lại, KPI ở level thấp được sử dụng cho các hệ thống quy trình, cá nhân, phòng ban, nhằm đánh giá hiệu suất những công việc, tiến trình đơn lẻ.

KPI là gì? Doanh nghiệp có được trừ lương người lao động khi không đạt KPI không?

KPI là gì? Doanh nghiệp có được trừ lương người lao động khi không đạt KPI không? (Hình từ Internet)

Doanh nghiệp có được trừ lương người lao động khi không đạt KPI không?

Ngoài việc đặt ra cơ chế thưởng khi hoàn thành các chỉ tiêu KPI, nhiều doanh nghiệp còn quy định cả cơ chế phạt đối với nhân viên của mình. Theo đó, tùy vào mức độ không hoàn thành nhiệm vụ mà người lao động sẽ bị trừ một số tiền nhất định.

Tuy nhiên, việc làm này là không đúng quy định của pháp luật bởi theo Bộ luật Lao động 2019, chỉ có duy nhất một trường hợp được trừ lương người lao động:

Điều 102. Khấu trừ tiền lương

1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.

Như vậy, nếu vì người lao động không hoàn thành nhiệm vụ mà trừ lương cứng của người đó là trái luật.

Trường hợp khấu trừ lương không đúng quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo theo Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

- Vi phạm từ 01 - 10 người lao động: Phạt 05 - 10 triệu đồng.

- Vi phạm từ 11 - 50 người lao động: Phạt 10 - 20 triệu đồng.

- Vi phạm từ 51 - 100 người lao động: Phạt 20 - 30 triệu đồng.

- Vi phạm từ 101 - 300 người lao động: Phạt 30 - 40 triệu đồng.

- Vi phạm từ 301 người lao động trở lên: Phạt 40 - 50 triệu đồng.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm phải trả lại đủ tiền lương cho người lao động.

Lưu ý: Mức phạt này dành cho người sử dụng lao động là cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

Lương KPI của người lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Lương KPI của người lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội không, thì theo khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

Điều 30. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

...

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH).

...

Mặt khác, theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động cụ thể như:

Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động

Nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

...

5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:

a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

b) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:

b1) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

...

c1) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;

...

Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Như vậy, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là khoản tiền mang tính cụ thể, ổn định và được chi trả trong mỗi kì trả lương.

Trong khi đó, tiền lương KPI được trả theo hiệu suất công việc mà người lao động làm việc nên không mang tính cụ thể và cố định.

Chỉ khi hoàn thành chỉ tiêu, người lao động mới được trả lương KPI. Do tính dựa trên hiệu quả làm việc nên tùy mức độ hoàn thành mà người lao động sẽ được lương KPI với các mức khác nhau.

Như vậy, lương KPI sẽ không phải khoản tiền trả thường xuyên trong mỗi kì trả lương nên sẽ không vào tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

(có 1 đánh giá)
Nguyễn Nhật Vy
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.107