Lên đồng, xem bói có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

(có 2 đánh giá)

Gần đến tết có nhiều hoạt động diễn ra trong đó có các hoạt động lên đồng, bói toán. Tôi muốn hỏi việc lên đồng, xem bói có phải là đang hoạt động mê tín dị đoan hay không? Việc hành nghề lên đồng, xem bói có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Thanh Tuyền - Khánh Hòa)

Lên đồng, xem bói trong các ngày lễ tết có phải là hoạt động mê tín dị đoan vi phạm quy định pháp luật hay không?

(1) Lên đồng:

Lên đồng là việc giả thần, giả thánh nhập vào người để phán truyền những thông tin không đúng sự thật nhằm mê hoặc người khác, cầu lợi cho mình.

Theo đó có thể thấy lên đồng là một trong những hành vi lợi dụng nghi lễ hầu đồng để trục lợi và là hành vi mê tín dị đoan được xem là hành vi vi phạm pháp luật

Lên đồng hoàn toàn khác với hầu đồng, hầu đồng là một nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thời Đức Thánh Trần… đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

(2) Xem bói:

Xem bói là hoạt động mang tính tâm linh phổ biến trong thực trạng xã hội hiện nay. Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển về mạng lưới thông tin thì đã là cho việc xem bói càng được mở rộng.

Hiện nay pháp luật không có quy định nào cấm đối với hành vi xem bói. Nếu việc xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây nên hậu quả xấu và không lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan thì không vi phạm pháp luật.

Lên đồng, xem bói có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự? (Hình từ internet)

Hoạt động mê tín dị đoan thông qua hình thức lên đồng, bói toán thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Căn cứ khoản 4 Điều 14 Nghị đinh 38/2021/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội như sau:

Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội

...

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;

b) Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

...

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;

c) Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;

d) Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

...

Bên cạnh đó, tại khoản 6 Điều 20 Nghị đinh 38/2021/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa như sau:

Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa

...

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương;

b) Không có văn bản đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh hoặc không có văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt khi xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II;

c) Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.

...

Theo đó, mức phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động mê tính di đoan (lên đồng, xem bói) là:

- Phạt vi phạm hành chính từ 03 - 05 triệu đồng: Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

- Phạt vi phạm hành chính từ 15 - 20 triệu đồng: Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

- Phạt vi phạm hành chính từ 30 - 40 triệu đồng: Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.

Người hành nghề mê tín dị đoan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:

Tội hành nghề mê tín, dị đoan

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo quy định trên thì người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trong trường hợp việc hành nghề mê tín dị đoan mà làm chết người; thhu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Như vậy, người hành nghề mê tín dị đoan có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất của vụ việc mà người đó gây ra.

(có 2 đánh giá)
Thành Nhân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.421