Vẫn được hưởng thừa kế mặc dù di chúc không ghi nhận?

(có 1 đánh giá)

Di chúc là sự thể hiện ý chí của một người khi còn sống nhằm định đoạt tài sản của mình cho người khác. Do đó, người lập di chúc có quyền chuyển toàn bộ hoặc một phần tài sản của mình cho người khác sau khi họ chết đi và mọi người phải tôn trọng ý chí tự nguyện đó. Tuy nhiên, pháp luật vẫn có những quy định ngoại lệ đối với người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Về chủ thể

Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây vẫn được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:

Thứ nhất: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

Thứ hai: Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Trong đó:

  • “Con chưa thành niên” được xác định là con chưa đủ mười tám tuổi;
  • “Vợ chồng” được xác định là vợ chồng hợp pháp, có tồn tại mối quan hệ hôn nhân được pháp luật thừa nhận;
  • “Con thành niên mà không có khả năng lao động” được xác định là con thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) bị suy giảm khả năng lao động  hoặc tổn thương cơ thể từ 81% trở lên do thương tích, do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp, do già yếu;
  • “Con” ở đây được xác định bao gồm con trong giá thú, con ngoài giá thú, con ruột, con nuôi;
  • “Cha, mẹ” được xác định bao gồm cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi.

Người thừa kế​​​​​​​

Về điều kiện

Về điều kiện, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận rõ là “…trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó…

Trong đó:

  • “Không được người lập di chúc cho hưởng” được hiểu là người lập di chúc thể hiện rõ ý chí (1) truất quyền hưởng di sản của những người này hoặc (2) không đề cập đến những người này trong di chúc.
  •  “cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó “ được hiểu là người lập di chúc cho hưởng nhưng những người này lại được cho hưởng ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật. Do đó, trường hợp này họ sẽ được hưởng bằng 2/3 suất thừa kế nói trên.

Ví dụ 1: Ông A và bà B là vợ chồng hợp pháp, có hai người con chung là C và D (đều đã thành niên). Năm 2019 ông A lập di chúc để lại cho bà B 100 triệu đồng, C và D mỗi người 400 triệu đồng. Năm 2021 ông A chết và tổng di sản để lại là 900 triệu. Trong trường hợp này suất của một người thừa kế theo pháp luật được xác định là 900 triệu: 3 = 300 triệu (những người trong hàng thừa kế thứ nhất của ông A có 03 người là B, C, D). Do đó bà B sẽ được hưởng mức thấp nhất là 2/3 x 300 triệu = 200 triệu. Như vậy, trong ví dụ trên B sẽ được hưởng 200 triệu chứ không phải 100 triệu theo như nội dung di chúc mà ông A để lại.

Về mức hưởng

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba (2/3) suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.

Lưu ý: Di sản ở đây được xác định là “di sản gốc” mọi người nhé. Đó là phần di sản còn lại để chia thừa kế sau khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại như mai táng phí; các khoản cấp dưỡng còn thiếu; các khoản bồi thường thiệt hại; các khoản nợ của nhà nước, … (được quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015).

Cách tính: Chúng ta lấy phần “di sản gốc” đem chia cho những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất có quyền hưởng, được bao nhiêu nhân với hai phần ba (2/3) của suất đó thì sẽ cho ra kết quả mọi người nhé.

Trong đó hàng thừa kế thứ nhất gồm có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).

Tôi xin lấy một ví dụ sau đây để mọi người dễ hiểu nhé:

Ví dụ 2: Ông A và bà B là vợ chồng hợp pháp có ba người con chung là C, D và E (đều đã thành niên). Năm 2018 A lập di chúc để lại toàn bộ di sản là 600 triệu đồng cho E. Năm 2021 A chết. Vậy di sản của A được chia như thế nào?

Trả lời: - Chúng ta thấy bà B (vợ hợp pháp của ông A) là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Do đó bà B này sẽ được hưởng thừa kế bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

  • Những người trong hàng thừa kế thứ nhất của A gồm 4 người (B, C, D, E) => Do đó, nếu di sản được chia theo pháp luật thì suất thừa kế được xác định là: 600 triệu/ 4 = 150 triệu => Khi đó suất 2/3 sẽ là: 150 triệu x (2/3) = 100 triệu.
  • Như vậy, trong trường hợp này bà B sẽ nhận được 100 triệu đồng và phần còn lại (500 triệu) sẽ được chia cho E theo nội dung di chúc.   

Lưu ý với mọi người: Những người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất trên không bao gồm người từ chối nhận di sản (theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015) hoặc những người không có quyền hưởng di sản (theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015) mọi người nhé.

Ví dụ 3: Ông A và bà B là vợ chồng, có hai người con chung là C và D. Anh C bị kết án về hành vi ngược đãi ông A. Ông A qua đời viết di chúc để lại di sản 120 triệu cho D.

Chúng ta thấy những người trong hàng thừa kế thứ nhất của Ông A gồm có B, C và D. Tuy nhiên, C đã bị tước quyền hưởng di sản do đã bị kết án về hành vi ngược đãi ông A (theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015). Nên hàng thừa kế thứ nhất chỉ có 02 người B và D. Nên phần thừa kế của bà B được xác định là: (120 triệu: 2) x 2/3 = 40 triệu đồng. Và phần di sản còn lại (80 triệu đồng) sẽ được chia cho D theo nội dung di chúc.

(có 1 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.546