04 hệ lụy xã hội khi các Công ty Luật, VPLS tuyển “học việc không lương”

(có 1 đánh giá)

Một hiện tượng dễ nhận thấy trong những năm gần đây trong thị trường lao động về ngành Luật. Đó là việc một số đơn vị sử dụng lao động (Tổ chức hành nghề Luật sư, Văn phòng công chứng…) thường xuyên tuyển dụng lao động với các vị trí như “học việc” “thực tập” với những mức lương rất thấp thậm chí là không trả lương. Bài viết này sẽ không đi sâu, không mổ xẻ những vấn đề mang tính “bóc phốt”. Mà dựa trên những hiện tượng, sự kiện có thật đã nêu. Tôi sẽ kể ra 04 hệ lụy xấu với xã hội nếu các đơn vị sử dụng lao động tiếp tục ép giá Cử nhân Luật giống như những năm gần đây.

>> Mẫu đơn xin việc mới nhất

>> Cử nhân Luật cần tự bảo vệ mình trước làn sóng “thực tập không lương”

Trong phạm vi bài viết này, những khái niệm như “học việc”, “thực tập” được hiểu là những vị trí công việc đòi hỏi người lao động là những cử nhân Luật đã tốt nghiệp, dành toàn thời gian để đi làm, không bao gồm những trường hợp là thực tập sinh khi còn đang đi học.

1. Tổ chức hành nghề Luật sư tự biến mình thành tấm gương xấu

Bộ luật Lao động 2012Bộ luật Lao động 2019 sắp có hiệu lực quy định những hình thức lao động. Trong đó, pháp luật không có quy định về vị trí việc làm được một số tổ chức hành nghề Luật sư, VPCC… gọi là “học việc”.

Cũng theo quy định của Luật, quan hệ phát sinh trong việc thuê, mướn giữa người lao động và bên sử dụng lao động được gọi là “quan hệ lao động”. Ở đó người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, pháp luật lao động hiện hành có quy định về mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định tại  Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Cụ thể:

Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng

1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

2. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Mức lương tối thiểu vùng được hiểu là tùy theo khu vực làm việc của người lao động, thì người sử dụng lao động phải trả mức lương thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng kể trên. Việc chi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng là vi phạm pháp luật.

Đặc biệt đối với những tổ chức hành nghề Luật sư, Văn phòng công chứng… là những tổ chức làm việc trong lĩnh vực pháp luật. Dưới góc nhìn xã hội, thì đây phải là những tổ chức am hiểu pháp luật nhất và phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhất. Việc những tổ chức am hiểu pháp luật mà lại vi phạm pháp luật, vô hình chung họ đã tự biến mình thành những tấm gương xấu cho xã hội.

2. Ảnh hưởng đến chính sách vĩ mô về Lao động

Thị trường lao động là nơi gặp nhau giữa người mua và người bán. Ở đó, người mua là người sử dụng lao động, người bán là người lao động và hàng hóa ở đây chính là sức lao động. Gống như những thị trường khác, mức lương cân bằng chính là điểm giao thoa giữa đường cung và đường cầu.

Như vậy, trong thị trường nếu như nguồn cung lao động quá nhiều, trong khi nguồn cầu lao động ít thì mức lương cân bằng sẽ thấp. Điều đó thể hiện rõ trong ngành Luật những năm gần đây khi cả nước có hơn 50 đơn vị đào tạo ngành Luật, nguồn cung lao động ngành Luật rất dồi dào trong khi cầu lao động không tăng theo tỉ lệ tương ứng. Kéo theo đó là hệ lụy dễ thấy là mức lương của Cử nhân Luật khá thấp so với mặt bằng những ngành nghề khác.

Để đảm bảo an sinh xã hội và những chính sách vĩ mô khác, chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo một mức sống tối thiểu cho người lao động. Nếu như các tổ chức hành nghề Luật sư, VPCC… không tuân thủ những quy định này thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chính sách an sinh xã hội của chính phủ, gây hệ lụy xấu đến chính sách vĩ mô của Quốc gia.

3. Làm xói mòn khát khao, động lực của nguồn nhân lực trẻ trong ngành Luật

Động lực đi làm của người lao động là rất nhiều. Tuy nhiên động lực lớn nhất của đa số người chính là số tiền họ có thể thu về sau khi bán đi sức lao động. Nếu một mức lương quá thấp hoặc thậm chí không được trả lương, với một thời gian đủ dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới động lực làm việc của từng cá nhân.

Hãy thử tưởng tượng, bạn học 04 năm ở trường đài học với chi phí giao động từ 200 – 300 triệu, thậm chí là thêm 01 năm ở Học viện Tư pháp với chi phí khoảng 30 triệu. Đổi lại bạn đi làm và được trả một mức lương không đủ để trang trải tiền nhà, tiền đi lại… Vậy động lực đi làm lớn nhất của bạn đã bị “đánh gục”. Động lực đi làm lúc này của bạn chỉ còn lại một số như đam mê, nhiệt huyết với nghề. Mà thực tế thì đam mê, nhiệt huyết cũng cần tiền, cần năng lượng để duy trì và phát triển.

4. Sẽ làm khan hiếm nguồn lực lao động của ngành Luật trong dài hạn

Chính vì việc không được trả lương hoặc trả lương thấp khiến động lực làm việc của Cử nhân Luật ngày càng thấp đi. Và theo quy luật tất yếu của thị trường, người lao động sẽ có xu hướng dịch chuyển sang những nhóm ngành nghề khác mà ở đó người lao động sẽ có mức thu nhập tốt hơn, giá trị mang lại cho bản thân và xã hội tốt hơn.

Trong dài hạn, sự dịch chuyển này sẽ làm khan hiếm nguồn lực trong lĩnh vực pháp lý. Các thí sinh sẽ cân nhắc chuyện nộp hồ sơ vào trường Luật, ngành Luật của các trường Đại học… Điều này vô tình sẽ gây hệ lụy không tốt, ảnh hưởng tới công cuộc cải cách Tư pháp của Đảng và Nhà nước.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

(có 1 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
5.759