Cử nhân Luật cần tự bảo vệ mình trước làn sóng “thực tập không lương”

(có 1 đánh giá)

Trực trạng về việc Cử nhân Luật bị “ép giá” đã quá rõ ràng. Chúng ta không thể thay đổi được những điều kiện khách quan. Tuy nhiên, trước khi chờ những điều kiện khách quan thay đổi, trước khi lên án những hành vi vi phạm pháp luật thì mỗi một người học Luật chúng cũng nên trang bị một số cách để tự bảo vệ quyền lợi của mình trong thị trường lao động.

>> Giải pháp chống thực tập không lương: Sinh viên không được tự hạ giá mình

>> Thực tập không lương: Giới hạn nào giữa thúc đẩy đam mê và bóc lột sức lao động?

>> 04 hệ lụy xã hội khi các Công ty Luật, VPLS tuyển “học việc không lương”

 

1. Phải bước từng bước thật chắn chắn từ khi mới vào trường Luật

Lời nhắn đầu tiên này dành cho những bạn còn đang ngồi trên giảng đường và những bạn đang có nguyện vọng theo đuổi ngành Luật. Đó là hãy học nghiêm túc từ những môn học đại cương đầu tiên.

Tâm lý nghỉ ngơi, xả hơi sau 12 năm đèn sách thời phổ thông là tâm lý dễ gặp ở rất nhiều bạn tân sinh viên. Chính tâm lý đó nuôi dưỡng cho sự dễ dãi trong quãng thời gian đầu ở trường Đại học dẫn đến những kết quả học tập không tốt ở những môn học đại cương.

Cũng sẽ có những suy nghĩ rằng, “những môn đại cương không quan trọng, học tốt những môn Luật chuyên ngành là được rồi”. Đây là một nhận định không hoàn toàn sai, tuy nhiên chúng ta không nên lấy lý do đó để lơ là những môn học đại cương. Bởi những môn học Đại cương như Lý luận nhà nước và pháp luật, Logic học… là những môn học nền, trang bị cho bạn những kỹ năng tư duy, nhận thức về pháp luật cơ bản nhất. Khi có được những kỹ năng, cách lý luận cơ bản thì khi bước vào học chuyên ngành các bạn sẽ tiếp thu bài học dễ dàng hơn, kết quả học tập sẽ tốt hơn.

2. Không cần “Học 1 hiểu 10” chỉ cần “Học tới đâu hiểu tới đó”

Từng bước đi vững chắc khi bước chân vào trường Luật như đã nên ở trên, mục đích cuối cùng là để sinh viên ra trường có một nền tảng kiến thức đủ vững để bước vào thị trường lao động.

Chương trình đào tạo Đại học để cho “ra lò” một Cử nhân Luật ở bất kì cơ sở giáo dục nào cũng phải được Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp thông qua theo quy định. Cho nên, yêu cầu cơ bản nhất là bạn chỉ cần hoàn thành tốt chương trình giảng dạy của nhà trường là được. Không yêu cầu bắt buộc phải học quá cao siêu, nghiên cứu tài liệu chuyên khảo…

Trường đại học Luật TP.HCM

ĐH Luật TP Hồ Chí Minh

3. Nhưng nên cố gắng để “Học 1 và hiểu 2 3”

Không bắt buộc phải quá cao siêu, nhưng chúng ta nên chủ động mở rộng kiến thức của mình. Như bất cứ lĩnh vực nào khác, kiến thức về pháp lý được ví như đại dương bao la, trong khi những gì chúng ta học ở trường Luật chỉ như là những giọt nước nhỏ.

Chính vì vậy, ngoài việc đáp ứng chương trình, hiểu và nắm vững những gì học ở trường Luật. Bạn nên chủ động học hỏi thêm từ những tài liệu chuyên ngành, tạp chí khoa học ở Trường Luật, chủ động học hỏi thêm kiến thức từ các thầy cô. Học không bao giờ là thừa, nên hãy cố gắng học và rèn luyện nhiều nhất có thể. Ngoài ra, thời gian rảnh bạn nên đến tham dự và ngồi nghe những phiên Tòa xét xử công khai. Ở đó bạn sẽ học và nắm được thực tế một phiên Tòa được tiến hành ra sao, quy trình như thế nào. Bạn tham gia nghe những phiên xét xử ở Tòa một thời gian đủ dài thì những môn học về Tố tụng ở trường không còn là vấn đề quá khó với bạn.

Bên cạnh đó, hãy chủ động đến những Công ty Luật, VPLS, Văn phòng Công chứng… để được học việc. Đừng chờ đợi những kì thực tập ít ỏi theo quy định của chương trình đào tạo. Các bạn hãy chủ động ngay từ năm 2, năm 3 Đại học. Tận dụng được khoảng thời gian này để đi thực tập sẽ giúp bạn trau dồi những kiến thức thực tễn. Trong thời gian đi thực tập, ngoài việc đến với tinh thần học hỏi thì bạn cũng nên cố gắng làm việc có hiệu quả, đem về lợi ích cho đơn vị bạn thực tập nhé. Vì mối quan hệ giữa bạn và đơn vị nhận thực tập là mối quan hệ “win-win”, cho nên bạn cũng nên cố gắng đền đáp công đào tạo của họ bằng những kết quả lao động xứng đáng.

Hơn nữa, việc làm việc tốt từ khi còn thực tập sẽ mở ra những cơ hội việc làm trong tương lai, các bạn không nên bỏ lỡ.

4. “Tiếng là tiền”

Xin mượn tiêu đề của một bài viết hay trên Spiderum để đặt cho mục này. “Tiếng là tiền”, ở đây ý nói là kỹ năng ngôn ngữ sẽ giúp bạn tăng khả năng cơ hội việc làm, tăng cơ hội kiếm tiền trong thị trường lao động.

Tiếng ở đây không nhất thiết chỉ là ngoại ngữ mà bao gồm cả tiếng mẹ đẻ. Ngành Luật là một ngành đặc thù yêu cầu người làm trong ngành thường phải có kỹ năng lập luận, suy đoán và tranh biện. Cho nên việc trang bị cho mình những kỹ năng về ngôn ngữ, ngoại ngữ là hết sức quan trọng trong việc phát triển nghề nghiệp.

Ngoài ra, việc học tốt ngoại ngữ sẽ mở thêm cho bạn những cơ hội việc làm ở những công ty, tổ chức nước ngoài với những mức lương hậu hĩnh hơn.

5. Chỉ thực tập khi còn đi học, khi dành toàn thời gian đi làm thì KHÔNG

Và một điều cần phải nhớ rằng, bạn chỉ nên thực tập không lương khi còn đi học, không dành toàn thời gian đi làm. Khi đã tốt nghiệp và làm toàn thời gian thì bạn phải được trả lương. Mức lương ít nhất phải là lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Còn khi đã tốt nghiệp và giành toàn thời gian để đi làm thì không được thỏa hiệp với những đơn vị sử dụng lao động mà không trả lương. Việc bạn đồng ý với những đơn vị tuyển dụng như thế sẽ 03 hậu quả như sau:

  • Vô tình bạn hạ thấp giá trị của bản thân;
  • Gây ra tâm lý “dễ bóc lột”, từ đó các đơn vị đó tiếp tục vi phạm pháp luật lao động với những người đi sau và vô tình tạo thành một hiệu ứng tiêu cực trong tuyển dụng ngành Luật.
  • Góp phần gây ra 04 hệ lụy xã hội như mình đã nói ra ở bài trước.
  • Ủng hộ cho hành vi vi phạm pháp luật lao động, gây phương hại đến sự tôn nghiêm của pháp luật, ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật của Đảng và Nhà nước.

6. Mở cho mình nhiều con đường để đi

Học Luật có thể làm được nhiều việc. Nhận định này hoàn toàn chính xác.

Thực tế, một số tổ chức hành nghề Luật sư, VPCC… có thể bóc lột sức lao động của Cử nhân Luật là vì theo quy định của Luật thì muốn trở thành Luật sư, Công chứng viên… thì Cử nhân Luật phải trải qua quá trình rèn luyện, làm việc ở đó. Nắm bắt được tâm lý phụ thuộc nên một số nơi mới có xu hướng bóc lột sức lao động của nguồn Cử nhân Luật trên thị trường, đặc biệt là với những bạn có niềm đam mê, tâm huyết với những nghề kể trên.

Tuy nhiên, các bạn nên nhớ rằng học Luật không chỉ để làm những ngành nghề như Luật sư, Công chứng… Mà xã hội có nhiều lựa chọn, thị trường lao động có nhiều đầu công việc cần trình độ Cử nhân Luật. Ví dụ như vị trí quản trị nhân sự trong công ty, vị trí C&B trong công ty, và những vị trí như trợ lý, chuyên viên pháp chế trong doanh nghiệp… Nói để chúng ta thấy rằng học Luật chúng ta có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác ở đó vẫn cần đến kiến thức, kỹ năng của chúng ta đã được học và lại có thu nhập để trang trải cho cuộc sống của mình.

Đừng bó hẹp phạm vi nghề nghiệp của mình lại, điều đó vô tình tạo tâm lý “độc quyền bóc lột” cho những đơn vị sử dụng lao động mà không trả lương trong thị trường.

(có 1 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
4.509