Tâm sự của sinh viên Luật khi ra trường

(có 93 đánh giá)

Ngành Luật luôn là một ngành hấp dẫn nhưng việc học và theo nghề chưa bao giờ là dễ dàng. Là một Cử nhân Luật mới ra trường bài viết này mình sẽ chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi đi học và quá trình xin việc khi đi làm

 

>> Học Luật có dễ xin việc không?

>> Học Luật có khó không?

1. Ngành Luật khó hơn bản thân mình tưởng

Mình đã chọn ngành Luật vì mình không đủ nguyện vọng đỗ Học viện Báo chí. Là đứa mê viết lách và thích lý luận nên nghĩ luật cũng có gì đó tương đồng để mình tìm hiểu học tập và có khi sau này lại đam mê ngành nghề này. Khi chính thức bước vào học trọng tâm chuyên ngành mình mới nhận ra hệ thống pháp luật phân chia thành rất nhiều ngành Luật khác nhau. Người học luật dù học chuyên ngành nào cũng đều phải có kiến thức nền tảng về pháp luật ở tất cả các lĩnh vực nên sẽ chẳng có quyền lựa chọn bạn thích môn này ghét môn kia . Học luật việc nắm vững kiến thức chuyên ngành tất cả các môn là điều cần thiết vì để giải quyết một vấn đề phát sinh bạn cần phải có kiến thức cơ bản và liên kết những kiến thức ấy ở từng mảng, từng lĩnh vực lại với nhau.

Trường đại học sẽ dạy cho bạn đủ các kiến thức chuyên ngành nhưng phần kỹ năng là do chính bản thân mình trau dồi. Ngay cả việc đào tạo luật khi đó ở trường mình theo học cũng có những vấn đề nhất định. Môi trường đại học là môi trường mở nên việc giảng viên quan tâm đến từ cá nhân sinh viên là điều không thể như thời còn học sinh. Kiến thức được truyền tải trong các tiết học và sinh viên có tiếp thu thành công những lượng kiến thức đó hay không thì giảng viên không kiểm soát được. Tình trạng “dấu dốt” dấu giỏi” diễn ra thường xuyên. Những điều mình chưa hiểu không dám hỏi, những điều bản thân biết cũng không dám nói sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên vẫn còn hạn chế. Đối với một ngành học liên kết thực tiễn cao như ngành Luật thì trường đại học nên hoán đổi vai trò của người thầy thành người hướng dẫn để sinh viên chủ động hơn mạnh dạn hơn khai thác hết các kiến thức cần có hỗ trợ cho công việc tương lai.

Bản thân mình cảm thấy tiếc nhất khi còn là sinh viên luật là mình không va vấp nhiều mặc dù trường luôn tạo điều kiện để sinh viên có thể tham gia các buổi chia sẻ, các lớp kỹ năng cũng như mở các phiên tòa giả định nhưng việc thực hành của sinh viên là hạn chế lượng kiến thức lý thuyết là quá nhiều nhưng thực tiễn tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến luật trong xã hội là số 0 mà thật ra vấn đề này cũng hơi khó vì ngành Luật liên quan đến pháp lý không thể nói muốn thực hành là thực hành như là tiếp cận máy móc hay các thiết bị khoa học kỹ thuật như các ngành nghề khác.

  • Tâm sự của sinh viên Luật khi ra trường

Hình từ Internet

2. Bằng Cử nhân Luật không phải là tất cả

Hồi đại học mình nghĩ học Luật ra sẽ đi làm công việc liên quan đến Luật, sẽ làm pháp chế, Luật sư hay Công chứng viên, nhưng khi ra trường rồi mới hiểu là phải nuôi sống mình trước rồi mới nuôi được ước mơ của mình. Học Luật đồng nghĩa với việc xuất pháp điểm chậm hơn các ngành nghề khác muốn có các chức danh vị trí tương xứng thì phải học cao hơn nữa thì mới đạt được. Lúc này mình nhận ra bằng Cử nhân Luật thực chất chỉ là hạt mầm cần chăm sóc thêm nữa thì mới có thể phát triển thành cây.

Đối với mình mà nói thực tế mới ra trường khó nhất không phải là tìm việc làm mà khó nhất là tìm việc làm phù hợp với ngành học của mình để vừa tích lũy kinh nghiệm vừa có thể nuôi sống bản thân sau mấy năm trời ăn bám cha mẹ.

Nỗi ám ảnh mang tên “kinh nghiệm” là cửa ải khó nhằn mỗi khi vác đơn xin việc của sinh viên mới ra trường. Với khó khăn hiện tại tài chính không đủ thì không thể học lên các vị trí cao hơn như Luật sư, Công chứng viên,… còn xin việc làm tại các vị trí như nhân viên pháp chế, trợ lý Luật sư thì đâu đâu cũng đòi hỏi kinh nghiệm từ 01-02 năm. Đối với một sinh viên mới ra trường làm sao đáp ứng đủ yêu cầu đó của các doanh nghiệp. Mặt bằng lương thì không cao, yêu cầu lại quá nhiều nên có vô vàn các bạn tốt nghiệp cử nhân Luật quyết định làm trái ngành để có đồng lương ổn hơn lo cho cuộc sống tốt hơn.

3. Trải nghiệm thực tế mình đã trải qua…

Những tháng ngày đại học khi mà bạn bè dần kéo nhau có định hướng tương lai thì mình vẫn đang loay hoay và luẩn quẩn mình có đang đi đúng đường không, sau 04 năm ra trường mình sẽ làm gì và đến nửa cuối năm 04 mình mới đi thực tập tại một Văn phòng Luật sư đối diện Tòa án quận Tân Bình, quãng thời gian thực tập 05 tháng trước khi về lại trường tập trung cho việc thi Tiếng Anh chuẩn bị tốt nghiệp cũng giúp mình học được khá nhiều điều mà các vấn đề mình tiếp thu chủ yếu là qua các anh chị cô chú trong Văn phòng làm việc: tiếp đón khách hàng, tư vấn, soạn thảo đơn khởi kiện,… nhưng đến lúc này mình đã xác định được là công việc tại các văn phòng Luật sư không phù hợp với bản thân mình, không có lý do gì cả chỉ đơn giản mình thấy bản thân không phù hợp mà thôi.

Mình tiếp tục đi thực tập lấy thêm kinh nghiệm trong vòng 06 tháng tại một Ngân hàng lớn và có thêm 06 tháng tiếp theo làm việc trong một công ty vận chuyển logistic thì mình mới tìm bến đỗ cho bản thân ở công ty hiện tại. Tất cả những công việc mình đã làm hầu hết chỉ liên quan một đến một ít chuyên ngành luật đã học nhưng vấn đề ở đây là sau ngần ấy thời gian không nhiều bản thân mình đã tự trả lời cho câu hỏi học luật ra xong sẽ làm gì.

Công việc hiện tại đúng với sở thích viết lách lại may mắn là viết về cuộc sống và pháp luật cộng với mức lương có thể nuôi sống bản thân nên mình hài lòng với nó. Mình quyết định sẽ đi học Công chứng viên sau thời gian dài tìm hiểu và đã trao đổi với gia đình. Cuộc sống của mình cũng không quá gọi là chật vật hay khó khăn sau khi ra trường nhưng việc định hướng được tương lai giúp mình vững tin hơn cũng như biết được đích đến của bản thân là gì từ đó vạch ra kế hoạch đỡ hơn là khoảng thời gian lênh đênh vô định trước đó.

4. Lời khuyên

Ngành Luật luôn có nhiều cơ hội việc làm cho những bạn đam mê và bám trụ với nghề. Những bạn sinh viên học luật nếu muốn sau này ra trường đỡ vất vả hơn trong quá trình xin việc thì nên đi thực tập từ năm 02-03 để tích lũy kinh nghiệm hãy học hết những gì mình muốn học mà đừng quan tâm đồng lương hay phụ cấp.

Kỹ năng và ngoại ngữ là yếu tố quan trọng giúp bản thân có thể phát triển xa hơn trong ngành này nên hãy cố gắng trau dồi thật nhiều để lấy nó làm tiền đề giúp ích cho công việc tương lai. 

Trong những năm tháng đại học mình cũng đã từng chán ghét ngành học mình đang học và cho rằng bản thân không phù hợp với nó nhưng sau này trong quá trình học tập, khi ra trường trải nghiệm thì mình nhận ra rằng học luật được nhiều hơn là mất từ kiến thức, thực tiễn hay nó dễ hiểu hơn là dù gì người biết luật vẫn tốt hơn là không biết gì và học luật là quyết định mà mình tự nguyện đưa ra nên mình cần có trách nhiệm với quyết định này. Nếu được chọn lại mình vẫn sẽ chọn học luật nhưng sẽ học với một phương pháp hiệu quả hơn thực tế hơn và biết đâu mình sẽ yêu nó hơn bây giờ nữa thì sao.

Hy vọng thông tin sẽ hữu ích cho các bạn. Đừng quên đánh giá 5 sao cho bài viết và 1 share ủng hộ nhé.

Nếu bạn đang có nhu cầu tìm việc làm thì hãy truy cập vào NhanLucNganhLuat.vn để ứng tuyển ngay nhé!

Xem thêm:

(có 93 đánh giá)
Theo Quỳnh Ny
37.287 
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng thực tập sinh hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng thực tập sinh
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng thực tập sinh hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng thực tập sinh