Từ Cử nhân Luật thành một Thừa phát lại

(có 1 đánh giá)

Cử nhân Luật tốt nghiệp ra trường có muôn vàn cơ hội việc làm rộng mở nhưng tính chất của các công việc liên quan đến pháp luật thì hầu hết cần phải học thêm lớp đào tạo có thể bạn vẫn thường nghe nói về các lớp đào tạo Luật sư, Công chứng viên,… nhưng bên cạnh đó còn một ngành nghề khá mới mà các bạn ít quan tâm đó là nghề “Thừa phát lại”. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để mọi người hiểu rõ hơn ngành nghề này.

>> Cử nhân luật có thể làm Kiểm toán viên nhà nước được không?

>> Cử nhân luật cần làm gì để trở thành Thư ký Tòa án?

Thừa phát lại là gì?

“Thừa phát lại” là thuật ngữ chỉ một ngành nghề trong xã hội tương tự như các nghề khác thực hiện trong lĩnh vực pháp lý như Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Công chứng viên,…

Có rất nhiều người không hiểu “Thừa phát lại” là gì và cũng không hề biết trong xã hội có tồn tại ngành nghề này. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định rõ: Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

Người làm việc Thừa phát lại không phải là nhân viên nhà nước nhưng lại mang trong mình quyền lực nhà nước vì người đó được Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm.

Việc làm Thừa phát lại

Điều kiện để trở thành một Thừa phát lại

Theo Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại phải đáp ứng được những tiêu chuẩn sau:

- Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật;

- Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật;

- Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại;

- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

 

Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu trên và có bằng Cử nhân Luật hoặc sau đại học chuyên ngành Luật có định hướng đi theo nghề Thừa phát lại các bạn phải học thêm một Khóa đào tạo nghề Thừa phát lại do Học viện Tư pháp tổ chức với thời gian quy định là 06 tháng.

Người có Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề Thừa phát lại hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký tập sự hành nghề. Thời gian tập sự là 06 tháng đối với người được đào tạo nghề Thừa phát lại, 03 tháng đối với người được bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.

So với lớp đào tạo Luật sư hay Công chứng viên thì chương trình đào tạo cũng như thời gian tập sự hành nghề của Thừa phát hiện có khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều. Mặc khác nếu muốn trở thành một Công chứng viên thì luật quy định phải có thời gian công tác trong các cơ quan, tổ chức pháp luật tối thiểu 05 năm còn điều  kiện để trở thành Thừa phát lại quy định đó chỉ từ 03 năm trở lên.

Sau khi đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề cũng như đáp ứng đủ mọi yêu cầu Luật định thì sẽ được Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại. Người được bổ nhiệm làm Thừa phát sẽ lại được Bộ Tư pháp cấp thẻ Thừa phát lại.

Công việc chính của nghề Thừa phát lại  

Theo Điều 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định Thừa phát lại được làm những việc như sau:

- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

- Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Thẩm quyền, phạm vi thủ tục thực hiện công việc Thừa phát lại được quy định rõ tại Chương IV Nghị định 08/2020/NĐ-CP cơ bản được sơ lược như sau:

  • Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt các văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự trong địa bàn và ngoài địa bàn.
  • Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thưởng theo quy định.
  • Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
  • Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.
  • Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
  • Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trong địa bàn. Khi thực hiện, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản hay có điều kiện thi hành án ngoài địa bàn.
  • Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp.
  • Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
  • Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện
  • Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một văn phòng Thừa phát lại hoặc Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
  • Đương sự có quyền yêu cầu văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án dân sự trong trường hợp vụ việc đó đang do Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành. Thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

Đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề Thừa phát lại

Điều 4 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về những việc mà Thừa phát lại không được làm.

- Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

- Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

- Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

- Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình

- Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Vai trò của Thừa phát lại trong xã hội

Nếu như cách đây 05 năm khái niệm Thừa phát lại còn khá xa lạ thì cho đến hiện tại Thừa phát lại đã dần khẳng định được vai trò của mình trong cuộc sống.

Đối với người dân

Cuộc sống thường ngày có vô vàn những tình huống, những sự kiện mà người ta muốn ghi nhận lại.Đơn cử như người dân muốn xác nhận tình trạng tài sản, nhà đất, trước khi xây dựng, sau khi xây dựng, nhà đất trước, sau khi cho thuê; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản, con dấu, sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng trái pháp pháp luật, xác nhận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,… thì đều có thể tìm đến với Thừa phát lại.

Vi bằng của Thừa phát lại là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử.

Đối với nhà nước

Với thẩm quyền của mình Thừa phát lại góp phần giảm tải cho Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, tạo điều kiện để các cơ quan này tập trung thời gian, biên chế vào việc thực hiện một cách có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ chính của cơ quan.

Cơ hội việc làm rộng mở

Cơ hội nghề nghiệp của Thừa phát lại là rất rộng mở vì thời gian đào tạo, thời gian tập sự hành nghề tương đối ngắn so với một số ngành nghề trong lĩnh vực pháp luật.

Nghề Thừa phát lại với 04 công việc chính và 04 việc này hiện nhu cầu rất cao và ngày càng quan trọng cần thiết trong cuộc sống.

Số lượng người theo học ngành nghề Thừa phát lại còn ít, tỉ lệ cạnh tranh chưa cao nên chúng ta có thể giảm thiểu được nỗi lo xin việc.

Với sự phát triển chóng mặt của xã hội thì trong tương lai nghề thừa phát lại sẽ là một trong những ngành nghề đáng để theo đuổi và gắn bó bền vững.

Trên đây là những chia sẻ về ngành nghề Thừa phát lại mong là sẽ giúp ích được bạn ít nhiều trong quá trình định hướng nghề nghiệp của mình.

Tìm việc làm ngành Luật

(có 1 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
4.855 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Thừa Phát Lại hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Thừa Phát Lại
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Thừa Phát Lại hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Thừa Phát Lại