Phương án tuyển sinh ngành Luật và những thông tin cần biết về ngành Luật năm 2022

(có 16 đánh giá)

Một mùa tuyển sinh nữa lại đến. Nhiều học sinh, phụ huynh đang định hướng cho con em khối ngành học và thi phù hợp, dưới đây là tổng hợp những điều cần biết dành cho các bạn học sinh có định hướng theo ngành Luật.

>> Phương án tuyển sinh ngành luật của các trường ĐH trên cả nước năm 2022 (cập nhật...)

>> Phương án tuyển sinh ngành Luật của các trường ĐH trên cả nước năm 2021

Ngành Luật là gì?

Ngành luật là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định.

Cùng với sự phát triển của đất nước, các quan hệ xã hội phát sinh ngày càng nhiều hơn, đa dạng, phức tạp hơn, đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng pháp luật chặt chẽ, chính xác hơn, dẫn đến số lượng quy phạm pháp luật ngày một nhiều hơn và các ngành luật mới lần lượt được hình thành, phát triển.

Ngành Luật cung cấp kiến thức Luật bao quát ở hầu hết các lĩnh vực. Không chỉ riêng kiến thức về Luật kinh tế, Luật tài chính, Luật thương mại; ngành Luật học còn cung cấp kiến thức về luật hôn nhân gia đình, quy định chung về tài sản, thừa kế, luật hình sự phần tội phạm, luật môi trường, tội phạm học, bồi thường hợp đồng, tranh chấp thương mại, khiếu nại, tố cáo, khoa học về điều tra hình sự, quyền con người, quyền công dân…

Các khối ngành Luật xét tuyển

Ngành Luật xét đa dạng khối ngành vì những người học luật đều cần khả năng tư duy, suy luận phân tích nên cơ hội học luật trải dài cho các bạn theo học và lựa chọn thi các khối phổ biến như sau:

– A00 (Toán, Lý, Hóa)

– A01(Toán,Lý, Anh)

– D01 (Văn, Toán, Anh)

– D02 (Văn, Toán, Tiếng Nga)

– D03 (Văn, Toán, Tiếng Pháp)

– D06 (Văn, Toán, Tiếng Nhật)

– C00 (Văn, Sử, Địa)

Nên chọn thi khối nào để tỉ lệ đậu cao?

Việc chọn môn thi khối thi phụ thuộc vào khả năng của từng bạn học sinh. Cơ hội trúng tuyển Ngành Luật trải dài cho các thí sinh dự thi nên không có thống kê hay chứng minh nào xác định thôi 1 khối nhất định  sẽ có khả năng đậu cao. Nếu thi về tự nhiên chọn A00, A01; nếu các bạn học sinh có khả năng phân tích tư duy, ghi nhớ lâu thì chọn khối C00; Các bạn có năng khiếu ngoại ngữ và vững căn bản cả ban tự nhiên ban xã hội thì chọn các khối D01, D02, D03, D06.

Chương trình đào tạo Ngành Luật

Khi trúng tuyển vào Ngành Luật của các trường đại học trên khắp cả nước các bạn sinh viên sẽ được học chương trình với số lượng kiến thức và các môn học như sau:

– Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin

– Tư tưởng Hồ Chí Minh

– Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

– Tâm lý học đại cương

– Xã hội học đại cương

– Lý luận về nhà nước và pháp luật

– Luật hành chính

– Luật hiến pháp

– Lịch sử nhà nước và pháp luật

– Luật dân sự

– Luật hình sự

– Luật thương mại

– Luật tài chính

– Luật ngân hàng

– Luật hôn nhân và gia đình

– Luật lao động…

Khi phân chia chuyên ngành Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành Chính,… sinh viên sẽ được học chuyên sâu về ngành mà mình đã chọn. Ngoài ra còn các môn học về kỹ năng như kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng làm việc nhóm,… Tùy chương trình đào tạo của từng trường đại học mà có sự thay đổi nhất định.

Điểm chuẩn ngành Luật

Trong năm 2021  mức điểm chuẩn của ngành này giao động từ 18 – 28 điểm tùy trường, tùy khối xét theo kết quả thi THPT Quốc Gia.

Các trường đào tạo Ngành Luật

Hiện nay ở nước ta có rất nhiều trường đào tạo Ngành Luật uy tín trải dài từ Bắc đến Nam vì thế sẽ gia tăng cơ hội chọn lựa cho phụ huynh và học sinh. Một số trường đại học đào tạo Ngành Luật tiêu biểu như là:

– Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

– Học viện Tòa án

– Đại học Kiểm sát Hà Nội

– Đại học Luật Hà Nội

– Đại học Luật TPHCM

– Đại học Luật – Đại học Huế

– Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng

– Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)

– Học viện Cán bộ TP.HCM

– Đại học Kinh tế TP.HCM

– Đại học Mở TP.HCM

– Đại học Sài Gòn

– Đại học Tôn Đức Thắng

Phương án tuyển sinh ngành luật của các trường Đại học năm 2022

Phương án tuyển sinh năm 2022 trường ĐH Luật TP.HCM

Các cách thức xét tuyển của tTrường ĐH Luật TP.HCM gồm: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tổng chỉ tiêu dự kiến năm 2022 là 2.100 thí sinh.

Phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, trường dự kiến áp dụng cho 35% chỉ tiêu. Trong phương thức này, trường có 3 hình thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển dành cho học sinh giỏi quốc gia hoặc có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, điểm thi SAT.

Trường xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT với thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Cụ thể, giải môn văn, toán, tiếng Anh xét tuyển thẳng vào các ngành: quản trị-luật, quản trị kinh doanh, luật, luật thương mại quốc tế và ngôn ngữ Anh. Giải môn tiếng Nhật và tiếng Pháp xét tuyển thẳng vào các ngành: quản trị-luật, quản trị kinh doanh, luật và luật thương mại quốc tế. Giải môn lý, hóa vào các ngành: quản trị-luật, quản trị kinh doanh, luật và luật thương mại quốc tế. Môn sử vào ngành luật, ngôn ngữ Anh. Riêng giải môn địa chỉ xét tuyển thẳng vào ngành luật.

Bên cạnh đó, trường ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật) hoặc có kết quả thi SAT của Mỹ (Scholastic Assessment Test), các chứng chỉ này còn giá trị đến 30.6.2022. Cụ thể, tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên; TOEFL iBT đạt điểm 65 trở lên. Tiếng Pháp DELF đạt từ trình độ B1 trở lên; TCF đạt điểm từ 300 trở lên. Tiếng Nhật JLPT đạt từ trình độ N3 trở lên. Bài thi SAT của Mỹ cũng xét điểm từ 1.100/1.600 trở lên. Bên cạnh chứng chỉ quốc tế, thí sinh phải có điểm trung bình 5 học kỳ THPT (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) của 3 môn tổ hợp đăng ký xét tuyển từ 21 trở lên.

Phương án tuyển sinh năm 2022 trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Trường đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã công bố điểm chuẩn đại học chính quy năm 2022, đồng thời bốn phương thức xét tuyển.

Vào lúc 18h00 ngày 30/6/2022, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) đã chính thức công bố đường dẫn tra cứu kết quả xét tuyển của 04 phương thức trong 05 phương thức xét tuyển của Trường năm 2022, trong đó:

1. PHƯƠNG THỨC 1b: Ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất trường THPT theo quy định của ĐHQG-HCM

2. PHƯƠNG THỨC 2: Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo quy định của ĐHQG-HCM cho các trường chuyên, năng khiếu và tốp đầu cả nước

3. PHƯƠNG THỨC 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG-HCM tổ chức năm 2022 (Xét tuyển các đợt thi và sử dụng kết quả của đợt thi có điểm cao hơn)

4. PHƯƠNG THỨC 5: Xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL, SAT, ACT, DELF,…) kết hợp với kết quả học THPT đối với học sinh Việt Nam và học sinh có quốc tịch nước ngoài (học chương trình THPT quốc tế bằng Tiếng Anh hoặc chương trình THPT trong nước). Xét tuyển vào các chương trình Chất lượng cao, Chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, Chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.

Kết quả xét tuyển theo các Phương thức 1b, 2, 4 và 5 thí sinh vui lòng tra cứu tại: https://kqts.uel.edu.vn

Tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Nguồn ảnh: UEL - Tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Phương án tuyển sinh năm 2022 trường Đại học Luật Hà Nội

Năm 2022, Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh trên cả nước, với các phương thức tuyển sinh gồm: tuyển thẳng và xét tuyển theo đề án riêng của trường.

Với phương thức tuyển thẳng, Trường Đại học Luật Hà Nội xét tuyển thẳng các thí sinh theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Việc xét tuyển theo đề án riêng, 4 phương thức xét tuyển sinh của Đại học Luật Hà Nội như sau:

Phương thức 1: Xét tuyển các thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phương thức 2: Xét tuyển (theo ngành) dựa trên kết quả học tập của bậc THPT năm 2022.

Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành.

Phương thức 4 (đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào chương trình liên kết với ĐH Arizona, Hoa Kỳ): Trường xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tương đương.

Phương án tuyển sinh Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Theo tiêu chuẩn sơ tuyển năm 2022 của Đại học Kiểm sát Hà Nội, thí sinh nam phải cao 1,6, nặng 50 kg trở lên; nữ không dưới 1,55 m và 45 kg.

Cuối tháng 4, trường Đại học Kiểm sát công bố đề án tuyển sinh 2022. Ngoài tiêu chí về chiều cao, cân nặng, điều kiện để thí sinh vượt qua sơ tuyển sức khỏe là không khuyết tật hình thể, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.

Ngoài ra, thí sinh không quá 25 tuổi, có lịch sử chính trị rõ ràng; cha, mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ, chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án, trừ vi phạm hình sự về giao thông. Những yêu cầu này được áp dụng với thí sinh đăng ký ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát.

Chỉ tiêu tuyển sinh 2022 của Đại học Kiểm sát Hà Nội là 410, trong đó 350 dành cho ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát; còn lại dành cho chuyên ngành Luật Thương mại. Đây cũng là ngành mới mở của năm nay.

Năm phương thức tuyển sinh của trường được áp dụng theo từng chuyên ngành. Với chuyên ngành Kiểm sát, trường tuyển sinh theo các phương thức, gồm xét học bạ (cả trường chuyên và không chuyên); xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ tiếng Anh (IELTS tối thiểu 7.0 hoặc tương đương); sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.

Thí sinh xét tuyển vào chuyên ngành Kiểm sát phải đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt năm kỳ (trừ kỳ II lớp 12) khi sử dụng các phương thức liên quan đến học bạ, phương thức còn lại có thể đạt loại khá.

Chuyên ngành Luật Thương mại chỉ sử dụng duy nhất phương thức xét học bạ ba năm THPT. Điều kiện cần là thí sinh tối thiểu đạt loại khá về hạnh kiểm, học lực năm kỳ bậc THPT.

Điểm sàn xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT là 17 (tổng điểm ba môn theo tổ hợp, chưa gồm điểm ưu tiên), cao hơn năm ngoái hai điểm.

Thời gian nộp hồ dự kiến từ 25/4 đến hết 22/5 (áp dụng với sơ tuyển) và từ 1/6 đến 30/6 (xét tuyển).

Phương án tuyển sinh Trường Đại học Luật - Đại học Huế

Năm 2022, trường Đại học Luật - Đại học Huế tuyển 900 chỉ tiêu cho 4 phương thức, trong đó trường dành 360 chỉ tiêu xét học bạ.

Phương án tuyển sinh Trường Đại học Luật - Đại học Huế

Phương án tuyển sinh Học viện ngoại giao

Học viện Ngoại giao tuyển 2.200 chỉ tiêu năm 2022 (năm 2021 trường tuyển 1.550 chỉ tiêu) với 5 phương thức xét tuyển.

5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GDĐT (3%); Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập THPT (52%); Xét tuyển dựa trên Kết quả học tập THPT (15%); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (25%); Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT và phỏng vấn (5%).

Mỗi phương thức xét tuyển có chỉ tiêu riêng. Trong trường hợp một phương thức không tuyển đủ chỉ tiêu thì số lượng chỉ tiêu còn lại được chuyển sang các phương thức khác.

Cụ thể như sau:

STT

Tên ngành đào tạo

Tổ hợp xét tuyển

Chỉ tiêu

1

Luật quốc tế

A01, C00, D01, D03, D07

200

2

Luật thương mại quốc tế

A01, C00, D01, D03, D07

100

Đối với các ngành Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Kinh tế quốc tế, Truyền thông quốc tế, Kinh doanh quốc tế và Luật thương mại quốc tế, thí sinh sau khi trúng tuyển được lựa chọn học Ngoại ngữ 1 là một trong các ngoại ngữ sau: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật (nếu số lượng đăng ký đáp ứng yêu cầu về quy mô lớp học).

Thí sinh trúng tuyển tất cả các ngành được lựa chọn học Ngoại ngữ 2 bất kỳ trong các ngoại ngữ sau: tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Trung Quốc (nếu số lượng đăng ký đáp ứng yêu cầu về quy mô lớp học). Điều kiện đăng ký sẽ được thông tin tại Đề án tuyển sinh năm 2022 của Học viện.

Cơ hội việc làm Ngành Luật

Cơ hội việc làm cho sinh viên luật mới ra trường khá rộng mở. Đây là ngành nghề có nhiều triển vọng và phát triển tương lai. Bạn có thể làm việc trong các cơ quan tổ chức hành chính nhà nước hoặc các doanh nghiệp, công ty tư nhân với mức lương khá hấp dẫn.

Các công việc tiêu biểu như: Luật sư, Công chứng viên, Thư ký, Trợ lý luật sư, Nhân viên pháp chế, Pháp chế Ngân hàng, Giáo viên/ giảng viên luật, Cán bộ nghiên cứu pháp luật,…

Hy vọng thông tin sẽ hữu ích cho các bạn. Đừng quên đánh giá 5 sao cho bài viết và 1 share ủng hộ nhé.

Nếu bạn đang có nhu cầu tìm việc làm thì hãy truy cập vào NhanLucNganhLuat.vn để ứng tuyển ngay nhé!

Cập nhật...

Tìm việc làm ngành Luật

(có 16 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
13.759 
Việc làm mới nhất