Án tích là gì? Điều kiện để người bị kết án được xóa án tích là gì?

(có 1 đánh giá)

Tôi có một câu hỏi liên quan đến việc xóa án tích. Cho tôi hỏi án tích là gì? Điều kiện để người bị kết án được xóa án tích là gì? Tôi mong nhận được câu trả lời sớm. Câu hỏi của anh N.T.L ở Đồng Nai.

Án tích là gì?

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể thế nào là án tích.

Tuy nhiên, có thể hiểu án tích là hậu quả pháp lý của việc phạm tội và là một trong những hình thức thực hiện trách nhiệm hình sự. Đây là đặc điểm xấu về nhân thân của người bị kết án nhưng không phải là vĩnh viễn. Án tích chỉ tồn tại từ khi người phạm tội bị kết án cho đến khi được xóa án tích.

Theo Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về xóa án tích như sau:

Xóa án tích

1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.

Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.

2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.”

Theo quy định trên, người bị kết án được xóa án tích trong 03 trường hợp gồm:

- Đương nhiên được xóa án tích.

- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án.

- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

Án tích là gì? Điều kiện để người bị kết án được xóa án tích là gì?

Án tích là gì? Điều kiện để người bị kết án được xóa án tích là gì? (Hình từ Internet)

Điều kiện để người bị kết án được xóa án tích là gì?

(1) Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015)

- Đối tượng áp dụng: người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

- Điều kiện:

+ Người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.

+ Từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

+ Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn trên.

(2) Xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017)

- Đối tượng áp dụng: người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này.

- Điều kiện:

+ Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.

+ Từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

(3) Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72 Bộ luật Hình sự 2015)

- Đối tượng áp dung: Người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị.

- Điều kiện áp dụng: Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu những đối tượng này đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn của điều kiện đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quy định của tòa án.

Thời hạn để xóa án tích được tính thế nào?

Căn cứ theo Điều 73 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định cách tính thời hạn để xóa án tích như sau:

Cách tính thời hạn để xóa án tích

1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

2. Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.

3. Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.

4. Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.”

Như vậy, thời hạn để xóa án tích trong trường hợp đương nhiên được xóa án tích hoặc xóa án tích theo quyết định của Tòa án căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Một số trường hợp khác được xác định theo quy định trên.

(có 1 đánh giá)
Trần Thị Tuyết Vân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.394