Công ty Mua bán nợ Việt Nam được mua nợ và tài sản của những ai?

(có 1 đánh giá)

Xin cho hỏi: Công ty Mua bán nợ Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước? Công ty Mua bán nợ Việt Nam được mua nợ và tài sản của những ai? 

Công ty Mua bán nợ Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước?

Căn cứ Điều 4 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 42/2021/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 123/2021/TT-BTC) quy định về hình thức pháp lý và tư cách pháp nhân của Công ty Mua bán nợ Việt Nam như sau:

Hình thức pháp lý và tư cách pháp nhân

1. DATC tổ chức và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và Điều lệ này.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam có tư cách pháp nhân, dấu riêng và được mở tài khoản tiền Đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo các quy định của pháp luật có liên quan.

3. DATC có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của mình.

Theo quy định trên thì Công ty Mua bán nợ Việt Nam được tổ chức và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Như vậy, Công ty Mua bán nợ Việt Nam thuộc loại hình doanh nghiệp nhà nước, không phải doanh nghiệp tư nhân.

Công ty Mua bán nợ Việt Nam được mua nợ và tài sản của những ai?

Công ty Mua bán nợ Việt Nam được mua nợ và tài sản của những ai? (Hình từ Internet)

Công ty Mua bán nợ Việt Nam được mua nợ và tài sản của những ai?

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam ban hành kèm theoThông tư 42/2021/TT-BTC quy định như sau:

Chức năng, nhiệm vụ và ngành nghề kinh doanh

...

2. DATC hoạt động theo ngành nghề kinh doanh quy định tại Điều 6 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP, trong đó:

a) Ngành nghề kinh doanh chính của DATC thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, tập trung chủ yếu vào các hoạt động sau:

- Tiếp nhận nợ và tài sản, bao gồm nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ; nợ phải thu và các tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư, khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

- Mua nợ và tài sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ) của các tổ chức và cá nhân.

- Xử lý nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận (bao gồm cả quản lý, đầu tư để khai thác, bán, cho thuê các tài sản đã mua, tiếp nhận và tài sản bảo đảm của khoản nợ, kể cả tài sản nhận gán nợ).

- Tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua, xử lý nợ.

...

Như vậy, Công ty Mua bán nợ Việt Nam được mua nợ và tài sản của các tổ chức và cá nhân, bao gồm cả quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ.

Ngoài ra, Công ty Mua bán nợ Việt Nam còn xử lý nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận (bao gồm cả quản lý, đầu tư để khai thác, bán, cho thuê các tài sản đã mua, tiếp nhận và tài sản bảo đảm của khoản nợ, kể cả tài sản nhận gán nợ).

Công ty Mua bán nợ Việt Nam mua nợ và tài sản theo hình thức nào?

Căn cứ Điều 10 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam ban hành kèm theoThông tư 42/2021/TT-BTC quy định về hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản như sau:

Hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản

1. DATC thực hiện các hoạt động tiếp nhận, mua nợ và tài sản theo quy định tại Mục 1, Mục 2 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

2. DATC thực hiện xử lý nợ và tài sản theo quy định tại Mục 3, Mục 4 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

Dẫn chiếu đến Điều 14 Nghị định 129/2020/NĐ-CP thì Công ty Mua bán nợ Việt Nam mua nợ và tài sản theo các hình thức dưới đây:

(1) Mua theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(2) Thỏa thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản.

(3) Tham gia đấu thầu, đấu giá mua nợ và tài sản.

Ngoài ra Điều 13Nghị định 129/2020/NĐ-CP cũng có quy định về việc mua nợ và tài sản của Công ty Mua bán nợ Việt Nam như sau:

- Công ty Mua bán nợ Việt Nam mua, xử lý nợ và tài sản theo nhiệm vụ, phương án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định.

- Công ty Mua bán nợ Việt Nam được mua các khoản nợ trong nước và nước ngoài (bao gồm cả trái phiếu, hối phiếu, công cụ nợ khác do các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ, kể cả hối phiếu, trái phiếu do chính DATC phát hành) và tài sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ) của các tổ chức và cá nhân.

- Các khoản nợ phải thu phát sinh từ nghiệp vụ mua nợ của Công ty Mua bán nợ Việt Nam là một loại hàng hóa và được quản lý, theo dõi từng khoản nợ mua.

(có 1 đánh giá)
Nguyễn Thị Hậu
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.075