Học luật cần giỏi môn gì ở cấp 3? Điều kiện để trở thành luật sư

(có 3 đánh giá)

Muốn theo đuổi thành công ngành luật thì cần giỏi môn gì ở cấp 3 và điều kiện để trở thành luật sư là gì? - Câu hỏi của chị T.N (ĐăkLăk)

Muốn theo đuổi thành công ngành luật, học sinh cấp 3 cần chú trọng phát triển những kỹ năng và kiến thức quan trọng. Vậy học luật cần giỏi môn gì ở cấp 3 và Điều kiện để trở thành luật sư là gì?

Học luật cần giỏi môn gì ở cấp 3? Điều kiện để trở thành luật sư

Học luật cần giỏi môn gì ở cấp 3? Điều kiện để trở thành luật sư (Hình từ Internet)

Ngành Luật là gì?

Ngành Luật không chỉ tập trung vào việc xác định và áp dụng quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực cụ thể, mà còn là việc hiểu rõ các lĩnh vực cụ thể như Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Kinh tế, và nhiều chuyên ngành khác.

Luật Dân sự tập trung vào việc hiểu và bảo vệ quyền lợi dân sự, quan hệ gia đình, tài sản và hợp đồng. Còn Luật Hành chính liên quan chặt chẽ đến cấu trúc và hoạt động của Nhà nước, cung cấp kiến thức về cơ cấu tổ chức, quản lý nhà nước, và các vấn đề liên quan đến công chứng, luật sư cũng như cải cách hành chính.

Học ngành Luật không chỉ là việc tiếp thu kiến thức về pháp luật, mà còn là cơ hội để phát triển kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý phức tạp, giải quyết tranh chấp một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Việc hiểu rõ về vai trò và chức năng của từng chuyên ngành trong Luật giúp sinh viên phát triển khả năng làm việc trong lĩnh vực pháp luật và quản lý một cách tự tin và hiệu quả.

Học Luật cần giỏi môn gì ở cấp 3?

Muốn theo đuổi thành công ngành Luật, học sinh cấp 3 cần chú trọng phát triển những kỹ năng và kiến thức quan trọng. Dưới đây là những môn học và kỹ năng cần thiết để bước chân vào con đường học tập và sự nghiệp trong lĩnh vực pháp luật:

- Văn học và Ngữ văn: Môn này sẽ giúp bạn phát triển khả năng đọc, hiểu và phân tích văn bản. Trong ngành Luật, việc đọc và hiểu các văn bản pháp luật rất quan trọng.

- Môn Lịch sử và Xã hội học: Nếu bạn đang tìm hiểu học Luật cần giỏi môn gì ở cấp 3 thì đây sẽ là môn giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ cấu xã hội, lịch sử phát triển của xã hội, và các vấn đề xã hội.

- Môn Toán: Mặc dù không phải là môn chính trong ngành Luật, nhưng kỹ năng tư duy logic và cách xử lý số liệu cũng rất quan trọng. Trong việc nắm bắt và áp dụng các quy định pháp luật, việc phân tích thông tin số liệu và sử dụng số liệu thống kê có thể rất hữu ích.

- Kỹ năng nghiên cứu và tìm kiếm thông tin: Trong ngành Luật, khả năng nghiên cứu và thu thập thông tin từ các nguồn đáng tin cậy là rất quan trọng.

Khả năng lập luận và diễn đạt ý kiến: Khả năng lập luận logic, diễn đạt ý kiến một cách rõ ràng và thuyết phục sẽ giúp bạn thành công trong việc trình bày và bào chữa quan điểm của mình.

Điều kiện để trở thành luật sư

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. Trong đó:

(1) Đối với đào tạo nghề luật sư:

Căn cứ khoản 4 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định về đào tạo nghề luật sư như sau:

- Có Bằng cử nhân luật và đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư;

- Hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư theo thời gian đào tạo mà pháp luật quy định là mười hai tháng và được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

(2) Đối với cơ sở đào tạo nghề luật sư được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 123/2013/NĐ-CP, cụ thể:

- Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp;

- Cơ sở đào tạo nghề luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Tuy nhiên việc đào tạo nghề luật sư vẫn có ngoại lệ, tại Điều 13 Luật Luật sư 2006 quy định các trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư, bao gồm:

- Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật.

- Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

- Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Trường hợp người đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài, việc công nhận tại Việt Nam được quy định tại Điều 3 Thông tư 05/2021/TT-BTP theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

(3) Đối với tập sư hành nghề luật sư được quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật luật sư sửa đổi 2012 như sau:

- Người đã có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người được miễn đào tạo nghề luật sư phải tham gia tập sư hành nghề luật sư tại tổ chức hành nghề luật sư.

- Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng trừ trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư được quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012.

(4) Đối với cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:

- Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gồm có:

+ Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

+ Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Giấy chứng nhận sức khỏe;

+ Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

+ Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật này.

- Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú. Hồ sơ gồm có:

+ Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

+ Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Giấy chứng nhận sức khỏe;

+ Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật, trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;

+ Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 7 Điều 1 của Luật Luật sư sửa đổi 2012.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật.

(có 3 đánh giá)
Mai Thanh Lợi
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.846 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm luật sư hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm luật sư
Click vào đây để xem danh sách Việc làm luật sư hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm luật sư