Vì sao cần có Phiếu lý lịch tư pháp?

(có 1 đánh giá)

Ông Phạm Đinh C. (Hà Nội) đề xuất cơ quan chức năng nên nghiên cứu lại về việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bởi theo ông, Căn cước công dân gắn chíp và mã định danh cá nhân gắn liền với mỗi công dân thì mọi thông tin cơ bản nhất đã hiển thị gắn liền với nó.

Ông C. cho rằng, thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ có Sở Tư pháp, nên toàn bộ người dân ở cả một tỉnh, thành phải tập trung về Sở để xin loại giấy tờ này. Điều này rất mất thời gian, xa xôi và gây phiền hà. 

Nếu chỉ là để chứng minh mục Không có án tích thì có thể để cấp xã hoặc cấp huyện tra cứu trên hệ thống chuyên môn để chứng nhận cho người dân.

Theo ý kiến ông C., nên để Căn cước công dân gắn chíp đảm nhiệm thay thế toàn bộ giấy tờ khác như: Giấy tờ, bằng lái xe các loại, bảo hiểm các loại, án tích, khen thưởng, mã số thuế, điện nước, mạng... Thậm chí hướng tới cả ngân hàng số và nhiều loại giấy tờ khác trong hiện tại và tương lai không xa. Có như vậy mới thuận tiện cho người dân và xã hội phát triển.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Vì vậy, theo quy định tại Điều 41, Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp thì nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp bao gồm thông tin về nhân thân, tình trạng án tích và thông tin về đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là những thông tin về bí mật đời tư của cá nhân, chỉ được cung cấp trong trường hợp cá nhân có yêu cầu hoặc cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đặc biệt, bên cạnh việc thu thập dữ liệu, thông tin về án tích của người bị kết án, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã giao Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn có trách nhiệm ghi nhận việc xóa án tích trong trường hợp người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích và cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận "không có án tích" khi người đó có yêu cầu. Đây là thông tin rất quan trọng, góp phần giúp những người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng.

Do đó, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải tuân theo quy trình, thủ tục nghiêm ngặt, phải thực hiện tra cứu, xác minh thông tin tại một số cơ quan có liên quan để xác định một người có án tích hay không có án tích, đồng thời phải bảo đảm bí mật đời tư của người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Điều 44 của Luật Lý lịch tư pháp xác định rõ thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp. Trong đó, giao Sở Tư pháp cấp Phiếu trong các trường hợp sau:

Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. 

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn được giao trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp và tra cứu, xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Việc Sở Tư pháp là cơ quan thực hiện việc quản lý lý lịch tư pháp thống nhất tại địa phương để bảo đảm hoạt động cấp Phiếu được thực hiện nhanh chóng, hạn chế khâu trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan thi hành án, Trại giam,… để thực hiện việc tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp của cá nhân.

Vì vậy, nếu phân cấp về các đơn vị cấp xã hoặc cấp huyện sẽ gây khó khăn trong việc phối hợp điều tra thông tin cũng như xác minh các điều kiện khác để thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đơn cử, TP. Hà Nội hiện nay bao gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã và 579 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn sẽ tạo ra bước trung gian, tăng biên chế, tăng kinh phí, nguồn lực phục vụ cho công tác này tại cấp xã, phường, thị trấn.

Hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã được thực hiện qua nhiều phương thức: Trực tiếp, qua bưu chính, trực tuyến. Đặc biệt, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 3, 4.

Trên cơ sở đó, ngày 6/2/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 773/QĐ-UBND về việc ban hành quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên môi trường điện tử, không cần đến trực tiếp tại Sở Tư pháp để nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng xây dựng, trình Chính phủ xem xét, thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, trong đó có quy định về việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử để góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính về lý lịch tư pháp.

2.367