Có thể gia hạn thời gian nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động không?

(có 2 đánh giá)

Người sử dụng lao động có thể gia hạn thời gian nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động không? Trường hợp người sử dụng lao động chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động thì bị phạt bao nhiêu? câu hỏi của chị H (Hà Nội).

Một năm nộp mấy đợt báo cáo tình hình sử dụng lao động? Thời điểm nộp?

Việc báo cáo sử dụng lao động được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP), cụ thể như sau:

Báo cáo sử dụng lao động

Việc khai trình sử dụng lao động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

...

2. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

....

Theo đó, báo cáo tình hình sử dụng lao động được gửi định kỳ 06 tháng một lần trước ngày 05 tháng 6 và trước ngày 05 tháng 12 hằng năm.

Có thể gia hạn thời gian nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động không?

Có thể gia hạn thời gian nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động không? (Hình từ Internet)

Có thể gia hạn thời gian nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động không?

Cũng tại Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP) quy định về việc nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động như sau:

Báo cáo sử dụng lao động

Việc khai trình sử dụng lao động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

1. Người sử dụng lao động khai trình việc sử dụng lao động theo Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

2. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình thay đổi về lao động trong trường hợp người sử dụng lao động gửi báo cáo bằng bản giấy để cập nhật đầy đủ thông tin theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này

...

Như vậy, có thể thấy quy định hiện hành không đề cập đến việc người sử dụng lao động có được gia hạn thời gian nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động hay không.

Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động vẫn phải đảm bảo nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động được gửi định kỳ 06 tháng một lần trước ngày 05 tháng 6 và trước ngày 05 tháng 12 hằng năm.

Trường hợp không nộp đúng thời gian nêu trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động bị phạt bao nhiêu?

Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động như sau:

Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động

...

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

....

c) Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;

...

Đồng thời tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

...

Như vậy, nếu người sử dụng lao động không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định (bao gồm cả trường hợp chậm nộp) thì bị bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, đối với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt tiền sẽ nhân hai (từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng) cho cùng hành vi.

(có 2 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.271