Công chức cấp xã có những chức danh nào?

(có 2 đánh giá)

Công chức cấp xã có những chức danh nào? Tiêu chuẩn của từng chức danh thuộc công chức cấp xã? Những đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức cấp xã quy định ra sao? câu hỏi của chị N.M.L (Hà Nội).

Công chức cấp xã có những chức danh nào?

Công chức được hiểu là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (theo khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019).

Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 5 Nghị định 33/2023/NĐ-CP có quy định công chức cấp xã bao gồm những chức danh sau:

- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự;

- Văn phòng - thống kê;

- Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);

- Tài chính - kế toán;

- Tư pháp - hộ tịch;

- Văn hóa - xã hội.

Công chức cấp xã có những chức danh nào?

Công chức cấp xã có những chức danh nào? (Hình từ Internet)

Tiêu chuẩn của từng chức vụ cán bộ cấp xã được quy định ra sao?

Về tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã được quy định tại Điều 10 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Tiêu chuẩn của công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

- Tiêu chuẩn của công chức Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội như sau:

+ Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

+ Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

+ Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật đó.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức cấp xã làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Lưu ý: Căn cứ tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 33/2023/NĐ-CP và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định:

- Tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh công chức cấp xã cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp xã nhưng phải bảo đảm không thấp hơn tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này;

- Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã trong từng kỳ tuyển dụng;

- Xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ), thực hiện các chế độ, chính sách và tinh giản biên chế.

Những đối tượng nào được tiếp nhận vào làm công chức cấp xã?

Việc tiếp nhận vào làm công chức cấp xã được thực hiện theo Điều 14 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Tiếp nhận vào làm công chức cấp xã

1. Đối tượng tiếp nhận:

a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

c) Người thôi giữ chức vụ cán bộ ở cấp xã (trừ hình thức kỷ luật bãi nhiệm);

d) Người đã từng là cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận; hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận và Hội đồng kiểm tra, sát hạch khi tiếp nhận vào làm công chức cấp xã được áp dụng quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo quy định này, các đối tượng sau được tiếp nhận vào làm công chức cấp xã:

- Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

- Người thôi giữ chức vụ cán bộ ở cấp xã (trừ hình thức kỷ luật bãi nhiệm);

- Người đã từng là cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

Về thẩm quyền tiếp nhận công chức cấp xã được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 33/2023/NĐ-CP:

Thẩm quyền tuyển dụng công chức cấp xã và tiếp nhận vào làm công chức cấp xã

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền tuyển dụng công chức cấp xã và tiếp nhận vào làm công chức cấp xã.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền tiếp nhận vào làm công chức cấp xã.

(có 2 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
2.894