Công ty luật nước ngoài là gì? Giám đốc công ty luật nước ngoài là ai?

(có 2 đánh giá)

Tại Việt Nam có công ty luật nước ngoài hay không? Công ty luật nước ngoài là gì? Giám đốc công ty luật nước ngoài là luật sư Việt Nam hay luật sư nước ngoài?

Công ty luật nước ngoài là gì?

Theo quy định tại Điều 69 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi 2012 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức:

- Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;

- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh, công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam (là công ty luật nước ngoài).

Cũng theo quy định tại Điều 72 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi 2012 công ty luật nước ngoài được tổ chức dưới các loại hình sau:

- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam.

- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

- Công ty luật hợp danh là tổ chức hành nghề luật sư hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

Công ty luật nước ngoài là gì? Giám đốc công ty luật nước ngoài là ai?

Công ty luật nước ngoài là gì? Giám đốc công ty luật nước ngoài là ai? (Hình từ Internet)

Giám đốc công ty luật nước ngoài là ai?

Giám đốc công ty luật nước ngoài là người đứng đầu công ty, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành hoạt động của công ty theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ công ty. Pháp luật Việt Nam đặt ra điều kiện đối với Giám đốc công ty luật nước ngoài phải là luật sư và có thể là luật sư Việt Nam nhưng phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư (có chứng chỉ hành nghề luật sư). Đồng thời, để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư (trở thành luật sư) còn phải đáp ứng được tiêu chuẩn riêng.

(nội dung này được quy định tại khoản 3 Điều 68, khoản 2 Điều 72 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi năm 2012).

Cụ thể tiêu chuẩn của luật sư nước ngoài hoặc luật sư Việt Nam được quy định như sau:

* Đối với Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam

Theo Điều 74 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012, để được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, luật sư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

- Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế;

- Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;

- Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.

* Đối với Luật sư Việt Nam

Theo quy định tại Điều 10, 11 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012 yêu cầu để trở thành luật sư Việt Nam phải là Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư.

Đồng thời muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Phạm vi hành nghề của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam

Căn cứ quy định tại Điều 70 Luật luật sư năm 2006 đề cập về phạm vi hành nghề của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam, tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự.

Tuy nhiên, ngoài phạm vi nêu trên, công ty luật không được:

- Chứng thực bản sao, bản dịch giấy tờ do cơ quan nhà nước, tổ chức của Việt Nam cấp;

- Thực hiện các thủ tục về nuôi con nuôi, kết hôn, hộ tịch, quốc tịch Việt Nam;

- Thực hiện dịch vụ công chứng, thừa phát lại và các dịch vụ pháp lý khác mà theo quy định của pháp luật Việt Nam chỉ có tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề công chứng Việt Nam, tổ chức hành nghề thừa phát lại Việt Nam mới được thực hiện.

Ngoài ra, Luật sư Việt Nam làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện các dịch vụ nêu trên.

(theo quy định tại Điều 31 Nghị định 123/2013/NĐ-CP)

Tóm lại, Công ty luật nước ngoài là một hình thức hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được thành lập theo các loại hình công ty TNHH một thành viên hoặc công ty hợp danh. Người đứng đầu, giám đốc công ty luật nước ngoài phải là luật sư (có thể là luật sư nước ngoài hoặc luật sư Việt Nam) theo tiêu chuẩn đã được trích dẫn trên.

(có 2 đánh giá)
Lê Anh Tú
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.043