Khi nào vụ án hình sự được xét xử kín?

Xét xử kín là một định chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong thực tế, không ít những trường hợp những vụ án liên quan tới trẻ em, bí mật nhà nước… thì Tòa án sẽ ra quyết định xét xử kín nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.

Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì vụ án hình sự phải được xét xử công khai, mọi người đều có thể tham dự phiên Tòa.

Xét xử kín vụ án ông Nguyễn Đức Chung

Vụ án của ông Nguyễn Đức Chung được TAND Hà Nội xét xử kín

Cũng tại Điều này, trong trường hợp đặc biệt Tòa án có quyền xét xử kín vụ án hình sự, cụ thể trong những trường hợp sau:

  • Cần giữ bí mật nhà nước;
  • Cần giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
  • Bảo vệ người dưới 18 tuổi;
  • Giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự.

Vụ án hình sự khi xét xử kín phải tuyên án công khai. Cụ thể, Điều 327 BLTTHS 2015 quy định: Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án, sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Điều này được hiểu rằng khi đọc bản án, Tòa sẽ chỉ công khai mức án, phần trách nhiệm dân sự (nếu có) đối với các bị cáo và người liên quan, không công bố nội dung vụ án cũng như hành vi phạm tội của các bị cáo để đảm bảo các yêu cầu tại Điều 25 kể trên.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.433