Người lao động có quyền từ chối khi công ty yêu cầu nộp bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp trong hồ sơ nhân sự không?

(có 2 đánh giá)

Chị ơi cho em hỏi: Em là sinh viên mới ra trường và mới được nhận việc tại một công ty, nhưng công ty yêu cầu em phải nộp bản chính bằng tốt nghiệp đại học trong hồ sơ nhân sự thì em có được từ chối không ạ? Đây là câu hỏi của bạn Thanh Nga đến từ Lâm Đồng.

Người lao động có quyền từ chối khi công ty yêu cầu nộp bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp trong hồ sơ nhân sự không?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”

Như vậy, công ty không được phép giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Nếu giữ sẽ bị phạt hành chính theo quy định pháp luật.

Theo đó, người lao động có quyền từ chối khi công ty yêu cầu nộp bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp trong hồ sơ nhân sự.

Người lao động có quyền từ chối khi công ty yêu cầu nộp bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp trong hồ sơ nhân sự không? (Hình từ Internet)

Công ty giữ bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp của người lao trong lúc giao kết thì hợp đồng lao động có bị vô hiệu không?

Căn cứ theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“Điều 49. Hợp đồng lao động vô hiệu

1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;

b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;

c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.”

Như vậy, công ty giữ bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp của người lao trong lúc giao kết thì hợp đồng lao động không bị vô hiệu.

Công ty giữ bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp của người lao động thì bị phạt như thế nào?

Căn cứ theo điểm a khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

...

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động được quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;

d) Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

đ) Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”

Theo đó, giữ bản chính giấy tờ tùy thân, bằng cấp của người lao động thì bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; bằng cấp đã giữ của người lao động.

Mức phạt này áp đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, còn tổ chức thì mức phạt gấp 02 lần (tổ chức bao gồm những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này).

(có 2 đánh giá)
Nguyễn Nhật Vy
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.316 
Việc làm mới nhất