Những việc cần làm trước khi nghỉ việc? Người lao động phải báo trước bao nhiêu ngày trước khi nghỉ việc?

(có 1 đánh giá)

Những việc cần làm trước khi nghỉ việc? Người lao động phải báo trước bao nhiêu ngày trước khi nghỉ việc? Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp nào

Những việc cần làm trước khi nghỉ việc?

Lập kế hoạch tiếp theo

- Xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp mới, tìm kiếm công việc mới. Khi vạch rõ kế hoạch tiếp theo ngay khi bạn có ý định nghỉ việc, điều đó một phần sẽ giúp bạn định hướng rõ hơn những điều mình muốn và đồng thời cũng tránh bị gián đoạn thu nhập.

- Bạn cần chuẩn bị một khoản tiết kiệm để đảm bảo chi phí sinh hoạt trong những tháng chưa có việc làm tiếp theo và một khoản để dùng trong trường hợp khẩn cấp.

- Nghiên cứu thị trường việc làm và công việc bạn muốn làm trong tương lai, như vậy bạn có thể chuẩn bị, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc mới.

Sử dụng tối đa quyền lợi được hưởng

Hãy đảm bảo rằng bạn đã hưởng tối đa các quyền lợi từ người sử dụng lao động. Ví dụ như các khoản tiền phúc lợi hoặc tận dụng những ngày nghỉ phép giữ nguyên lương.

Bảo hiểm

- Trước khi nghỉ việc, bạn cần kiểm tra các quyền lợi bảo hiểm còn được hưởng, làm thủ tục chuyển bảo hiểm xã hội nếu cần.

- Đối với bảo hiểm y tế mất việc làm có nghĩa là mất khả năng tiếp cận với bảo hiểm y tế, mặc dù vẫn có các lựa chọn để tiếp tục hoặc nhận bảo hiểm mới. Tuy nhiên, hãy chú ý đến các điều kiện để tiếp tục hưởng quyền lợi mà bảo hiểm y tế hay các loại bảo hiểm khác có thể hỗ trợ cho bạn khi nghỉ việc.

Lựa chọn thời điểm nghỉ việc

- Bất kể bạn đang đảm nhận vị trí nào tại công ty thì khi bạn nghỉ, công ty cũng cần thời gian để tuyển người mới. Vì thế bạn cần thông báo trước để công ty có thời gian chuẩn bị nhân sự tiếp nhận công việc bạn đang làm.

- Thời gian thông báo phụ thuộc vào quy định của công ty. Nếu công ty không quy định thời gian cụ thể thì bạn nên thông báo trước hai tuần để công việc không bị ngưng trệ. Tuy nhiên bạn không nên thông báo quá sớm, tránh tạo không khí làm việc không thoải mái trong thời gian bạn còn phải làm việc.

Viết một lá đơn thôi việc hoàn hảo

- Một lá đơn xin thôi việc chính thức sẽ cho thấy sự chuyên nghiệp và sự tôn trọng của bạn với công việc cũng như cấp trên. Đơn thôi việc nên bao gồm ngày làm việc cuối cùng của bạn, lý do rời khỏi công ty và các chi tiết quan trọng khác. 

- Trước khi bạn rời đi, người sử dụng lao động có thể muốn ngồi lại với bạn để thảo luận về lý do nghỉ việc của bạn. Mặc dù cuộc trao đổi trước khi nghỉ việc cũng có thể là một cách để các công ty thu được thông tin về những gì họ có thể cải thiện, nhưng hãy nhớ xử lý mọi việc một cách chuyên nghiệp để bạn rời đi một cách tốt đẹp.

Giữ thái độ làm việc chuyên nghiệp sau khi thông báo nghỉ việc

- Mặc dù đã có quyết định nghỉ việc thì bạn vẫn nên hoàn thành đúng trách nhiệm của mình trước khi chính thức rời công ty, tuân thủ đúng quy định công ty. 

- Chuẩn bị các tài liệu, thông tin liên quan để bàn giao công việc cho người mới. Sắp xếp và lưu trữ các công việc bạn phụ trách một cách khoa học để việc chuyển giao được thuận lợi, không làm gián đoạn hoạt động của công ty. 

- Thái độ làm việc chuyên nghiệp trong những ngày sau cùng này thể hiện sự tôn trọng của bạn với những người đã đồng hành cùng bạn và giúp bạn để lại ấn tượng tốt đẹp với họ. 

Dọn dẹp máy tính và lưu trữ lại những thông tin bạn cần

- Bạn cần xóa các thông tin cá nhân đã lưu trữ trên máy tính của công ty, lưu trữ lại những thông tin và dữ liệu cần thiết đối với mình.

- Chuyển giao tài khoản, mật khẩu dùng chung hoặc những tài liệu mang tính bảo mật, để tránh sau này khi xảy ra vấn đề không đáng có.

Duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp cũ

- Thông báo cho đồng nghiệp về việc bạn sẽ nghỉ làm một cách chuyên nghiệp. Giữ mối quan hệ tốt với sếp và đồng nghiệp. Và bạn cũng có thể gửi lời cảm ơn những người đã giúp đỡ trong thời gian làm việc. 

- Lưu lại thông tin của nhau để thỉnh thoảng bạn có thể hẹn gặp họ để trò chuyện và chia sẻ về cuộc sống. Để lại những ấn tượng tốt sẽ mở rộng mạng lưới bạn bè của bạn, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai.

Kiểm tra pháp lý

Xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng về việc nghỉ việc để đảm bảo không vi phạm các thỏa thuận bảo mật. Kiểm tra các ràng buộc về cạnh tranh (nếu có).

Những việc cần làm trước khi nghỉ việc? Người lao động phải báo trước bao nhiêu ngày trước khi nghỉ việc?

Những việc cần làm trước khi nghỉ việc? Người lao động phải báo trước bao nhiêu ngày trước khi nghỉ việc? (Hình từ Internet)

Người lao động phải báo trước bao nhiêu ngày trước khi nghỉ việc?

Theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp nào?

Theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019

- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

(có 1 đánh giá)
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.030 
Việc làm mới nhất