Sẽ sửa tiêu chuẩn công chứng viên trong thời gian tới

(có 1 đánh giá)

Hiện nay, tiêu chuẩn để làm công chứng viên được quy định thế nào? Có phải sẽ sửa tiêu chuẩn công chứng viên trong thời gian tới? – Văn Huy (Cần Thơ)

Sẽ sửa tiêu chuẩn công chứng viên trong thời gian tới

Sẽ sửa tiêu chuẩn công chứng viên trong thời gian tới (Hình từ internet)

Đề xuất sửa tiêu chuẩn công chứng viên

Nội dung đề cập tại Quyết định 87/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

Theo đó, đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn công chứng viên như sau:

Một là, đề xuất bỏ điều kiện bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

(Lý do được đưa ra làcông chứng viên sẽ tự bảo đảm sức khỏe khi hành nghề)

Kiến nghị thực thi là bãi bỏ khoản 5 Điều 8 Luật Công chứng 2014 với lộ trình thực hiện là năm 2024-2025.

Hai là, giảm thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật xuống còn 3 năm.

(Lý do là nhằm tạo điều kiện cho người hành nghề công chứng)

Kiến nghị thực thi, cần sửa khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng 2014 (lộ trình thực hiện là năm 2024-2025)

Tiêu chuẩn công chứng viêntheo luật hiện hành

Theo Luật Công chứng 2014, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

(1) Có bằng cử nhân luật;

(2) Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

(3) Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 Luật Công chứng 2014 hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Công chứng 2014;

(4) Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

(5) Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng viên

Thông tư 11/2012/TT-BTP về Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, trong đó quy định các quy tắc chung gồm:

(1) Bảo vệ quyền, lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức

Công chứng viên có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

(2) Nguyên tắc hành nghề công chứng

Công chứng viên phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

- Khách quan, trung thực khi thực hiện công chứng, không vì bất kỳ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến chất lượng việc công chứng cũng như phân biệt đối xử với người yêu cầu công chứng.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình trong trường hợp việc công chứng dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.

- Tuân thủ các quy định của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng này và các quy định của tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng.

(3) Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp

- Công chứng viên có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp.

- Công chứng viên cần phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu công chứng và toàn thể xã hội.

(4) Rèn luyện, tu dưỡng bản thân

Công chứng viên phải không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nỗ lực tìm tòi để nâng cao chất lượng công việc và phục vụ người yêu cầu công chứng.

(có 1 đánh giá)
Theo Dương Châu Thanh
2.505 
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng công chứng viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng công chứng viên
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng công chứng viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng công chứng viên