Đèn tín hiệu giao thông chỉ có xanh, đỏ, vàng?

(có 1 đánh giá)

Ngoài những cột đèn giao thông với 3 màu xanh, vàng, đỏ thường thấy ở các ngã tư giao lộ, người tham gia giao thông còn thường xuyên bắt gặp những loại tín hiệu khác trên đường. Bạn đã hiểu hết về ý nghĩa của các loại đèn tín hiệu này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết này nhé.

>> Câu chuyện cột đèn giao thông và bài học cuộc sống

>> 03 Lỗi sai khi tham gia giao thông mà người đi đường hay mắc phải

1. Một là Đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông: đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng

Ý nghĩa của 3 loại đèn này thì chắc hẳn ai cũng biết ha.

- Đèn xanh: được phép đi.

- Đèn vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Khi đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.

- Đèn đỏ: thì dĩ nhiên là báo hiệu người tham gia giao thông phải dừng xe lại rồi.

2. Đèn tín hiệu phụ

Ngoài 3 loại đèn phổ biến trên thì chúng ta cũng thường thấy một số loại đèn tín hiệu phụ. Thì tùy thuộc vào nút giao thông khác nhau mà sẽ  có 2 dạng đèn mà ta thấy đó là: đèn phụ có hình mũi tên và đèn phụ hình một loại phương tiện.

  • Nếu ở cột đèn tín hiệu giao thông chính được lắp đặt thêm tín hiệu đèn phụ hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện tham gia giao thông chỉ được phép di chuyển khi tín hiệu đèn phụ hình mũi tên bật sáng. Tín hiệu phụ hình mũi tên cho phép rẽ trái cũng đồng nghĩa với việc được phép quay đầu.
  • Trong trường hợp đèn phụ mũi tên màu xanh bật sáng cùng tín hiệu đèn vàng hoặc đèn đỏ thì người điều khiển phương tiện giao thông các loại được phép đi theo hướng của mũi tên nhưng phải nhường đường cho các loại phương tiện đến từ các hướng khác đang được ưu tiên đi.
  • Trong trường hợp đèn phụ mũi tên màu đỏ bật sáng cùng với tín hiệu đèn chính màu xanh thì người điều khiển phương tiện không được đi theo hướng tín hiệu đèn mũi tên. Người tham gia giao thông cần phải chú ý để đi đúng làn đường chờ rẽ cho hướng đường bị cấm.
  • Còn ý nghĩa của đèn phụ hình một loại phương tiện ưu tiên thì đèn phụ nào màu xanh thì chỉ loại phương tiện đó được phép đi.
  • Còn khi đèn phụ của một loại phương tiện màu đỏ sáng cùng lúc với màu xanh của cột đèn giao thông chính thì loại phương tiện đó không được đi.

3. Đèn hai màu dành cho người đi bộ

  • Loại đèn tín hiệu này thì chắc hẳn ai cũng biết ý nghĩa của nó ha. Theo đó, người đi bộ chỉ được phép qua đường khi tín hiệu đèn xanh bật sáng và đi trên vạch đinh gắn trên đường hoặc vạch sơn. Lưu ý khi đèn xanh nhấp nháy liên tục nghĩa là báo hiệu tín hiệu đèn sắp chuyển sang đỏ, lúc này không được đi ngang qua đường.

4. Điều khiển phương tiện giao thông bằng loại đèn hai màu

  • Loại đèn hai màu xanh và đỏ không nhấp nháy dùng để điều khiển giao thông ở những nơi giao nhau với đường sắt, bến phà, cầu cất, dải cho máy bay lên xuống ở độ cao không lớn v.v... Đèn xanh bật sáng: cho phép các phương tiện giao thông được đi. Đèn đỏ bật sáng: thì dừng lại, cấm đi. Hai đèn xanh và đỏ không được cùng bật sáng một lúc.
  • Ngoài ra đối với loại đèn đỏ hai bên thay nhau nhấp nháy nơi giao nhau với đường sắt, khi bật sáng thì mọi phương tiện phải dừng lại và chỉ được đi khi đèn tắt. Để gây chú ý, ngoài đèn đỏ nhấp nháy còn trang bị thêm chuông điện hoặc tiếng nói nhắc nhở có tàu hỏa.

5. Mức xử phạt với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông

Có thể thấy các đèn tín hiệu giao thông có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị. Việc chấp hành tín hiệu đèn giao thông sẽ giúp các phương tiện di chuyển một cách hợp lý; tránh tình trạng xe di chuyển lộn xộn gây tắc đường, giảm thiểu những va chạm không đáng có trên đường.

Lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông là hành vi thường gặp trong xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và được pháp luật quy định chi tiết mức xử phạt như sau:

Đối với xe 2 bánh

  • Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
  • Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không hông chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; (điểm e, khoản 4 và điểm b, khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Đối với xe 4 bánh và các loại xe khác

  • Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi vi phạm lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 – 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông . (điểm a, khoản 5, điểm b, c, khoản 11, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
  • Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng khi vi phạm lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn . (điểm đ, khoản 5; điểm a, b, khoản 10, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
(có 1 đánh giá)
Theo Quỳnh Ny
3.729