Người ngoại tình sẽ đối diện với mức phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng theo quy định của Nghị định mới

Ngoại tình là đề tài đạt “top trending” trên mọi mặt trận vì từ năm này sang tháng nọ vẫn luôn có hàng tá cuộc ngoại tình với diễn biến khác nhau lần lượt xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. “Vũ trụ Tuesday” bằng cách này hoặc cách khác đe dọa mạnh mẽ đến hạnh phúc gia đình của mọi người mọi nhà. Vậy pháp luật Việt Nam quy định hình phạt cho những kẻ ngoại tình là gì?

Từ lâu khái niệm ngoại tình không còn quá xa lạ, ngoại tình hiểu đơn giản nhất là việc phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác. Trong mối quan hệ hôn nhân người ngoại tình có thể là vợ hoặc chồng có tình cảm yêu đương với một người thứ 3. Dù là gì đi chăng nữa, thậm chí là nhân danh tình yêu thì ngoại tình vẫn là kẻ thù giết chết bất cứ một mối quan hệ nào và gây ra hệ lụy đau đớn cho chính người trong cuộc và những người xung quanh từ gia đình cha mẹ và nhất là con cái. Người ta ám ảnh bị phản bội và không còn đặt niềm tin vào hôn nhân khi hằng ngày báo chí, mạng xã hội xuất hiện hàng tá câu chuyện ngoại tình.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ công nhận mối quan hệ hôn nhân một vợ một chồng. Căn cứ theo điểm c khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình cụ thể là nghiêm cấm các hành vi sau:

Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”

Pháp luật quy định đây là hành vi bị cấm, không được phép thực hiện.

Thật chất Luật Hôn nhân gia đình không có quy điều nào quy định về hành vi phạm “ngoại tình”. Chỉ khi nào vi phạm chế độ một vợ một chồng gây hậu quả thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể Nghị định số 100/2013/NĐ-CP vi phạm mức hành vi này bị phạt hành chính từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng.

Mới đây, Nghị định  82 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Có hiệu lực từ 01/09/2020, Nghị định 82 quy định tăng mức phạt cho hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Theo đó, vi phạm một trong các hành vi sau sẽ phạt 3.000.000 – 5.000.000 đồng:

a, Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

b, Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

c, Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

d, Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…

Như vậy có thể thấy Nghị định 82/2020/NĐ-CP đã điều chỉnh mức phạt cho những hành vi vi phạm này tăng lên trong khi trước đây Nghị định 110 chỉ quy định mức phạt từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng vợ chồng bình đẳng. Nếu không còn tìm được tiếng nói chung trong gia đình thì có thể cùng nhau thỏa thuận đi đến kết luận ly hôn tuy nhiên hiện nay vẫn có rất nhiều hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Mà thực tiễn cho thấy rất khó xác định được các hành vi sai phạm này từ việc chứng cứ chứng minh các tình tiết “chung sống với nhau như vợ chồng”. Pháp luật nước ta quy định vấn đề này chưa thật sự cụ thể phần lớn mang tính chất cảnh cáo chứ chưa thật sự răn đe hay chế tài mạnh để giảm thiểu tình trạng “ngoại tình”.

“Ngoại tình” có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nếu hành vi ngoại tình này là hành vi "chung sống như vợ chồng" và làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế ít thấy trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đa số chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vậy nên hầu hết các vụ “ngoại tình” khi chưa có vi phạm nặng vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến gia đình xã hội. Thậm chí việc xử phạt hành chính còn không được diễn ra mà thay vào đó người trong cuộc tự thay pháp luật “hành quyết” kẻ thứ ba là những vụ đánh ghen quay clip đưa lên mạng xã hội hay thuê gian hồ dằn mặt hoặc rải truyền đơn đến nơi ở làm việc của người được xem là đang ngoại tình. Điều này xuất phát từ sự bức xức khi bản thân mình là người bị hại trước những hành vi trái đạo đức trái luân thường đạo lý của người còn lại. Tuy nhiên những hành vi đó lại dễ dàng bị truy cứ trách nhiệm mà họ không thể lường trước được.

Rất nhiều người lừa dối bạn đời mình mà không cảm thấy có lỗi. Việc pháp luật Việt Nam đã đưa ra những chế tài cụ thể xử lí hành vi không có nghĩa là tình trạng “ngoại tình” giảm thiểu. Vấn đề này thuộc về mặt ý thức cũng như đạo đức của mỗi người.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.500