Người làm việc tự do hay còn gọi là Freelancer thì ký loại hợp đồng nào? Quyền, trách nhiệm khi ký loại hợp đồng này được quy định ra sao?

(có 1 đánh giá)

Người làm việc tự do hay còn gọi là Freelancer thì ký loại hợp đồng nào? Quyền, trách nhiệm khi ký loại hợp đồng này được quy định ra sao? Người làm việc tự do (freelancer) được tự ý chấm dứt hợp đồng dịch vụ trong trường hợp nào? câu hỏi của chị Mi (Hà Nội)

Người làm việc tự do hay còn gọi là Freelancer thì ký loại hợp đồng nào?

Người làm việc tự do hay còn biết đến với các tên Freelancer là những người làm việc theo cung cách tự quản, không bị giới hạn về quy củ, môi trường, địa điểm và thời gian làm việc.

Do đó có thể thấy nhóm đối tượng này sẽ không phù hợp với việc giao kết hợp đồng lao động bởi lẽ bản chất của hợp đồng lao động có sự ràng buộc giữa hai bên trong quan hệ lao động mà người lao động sẽ buộc phải tuân theo nội quy của công ty, sự điều động vị trí và công việc thường mang tính lâu dài (theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019.

Tuy nhiên để đảm bảo quyền và lợi ích của mình thì người làm nghề tự do (Freelancer) nên giao kết hợp đồng dịch vụ với tối tác của mình.

Cụ thể loại hợp đồng này được quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Người làm việc tự do hay còn gọi là Freelancer thì ký loại hợp đồng nào?

Người làm việc tự do hay còn gọi là Freelancer thì ký loại hợp đồng nào? (Hình từ Internet)

Quyền và trách nhiệm của người làm việc tự do (freelancer) khi giao kết hợp đồng dịch vụ được quy định ra sao?

Tại Điều 517 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 518 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm việc tự do hay còn gọi là bên cung ứng dịch vụ như sau:

Điều 517. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ

1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.

2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.

3. Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.

4. Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.

5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

6. Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.

Điều 518. Quyền của bên cung ứng dịch vụ

1. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.

2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.

3. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.

Người làm việc tự do (freelancer) được tự ý chấm dứt hợp đồng dịch vụ trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 519 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc trả thù lao (tiền dịch vụ) khi giao kết hợp đồng dịch vụ như sau:

Trả tiền dịch vụ

1. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.

2. Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.

3. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đồng thời tại Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trường hợp tự ý chấm dứt hợp đồng dịch vụ như sau:

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ

1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.

2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo quy định này thì trường hợp bên đối tác (bên sử dụng dịch vụ) vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ (người làm việc tự do) có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Vi phạm nghiêm trọng trong trường hợp này được hiểu là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. (theo quy định tại Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015).

 

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.776