Những đối tượng nào được mời tham gia kỳ họp Quốc hội thường lệ? Công dân có được tham gia vào các kỳ họp Quốc hội không?

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi những đối tượng được mời tham gia kỳ họp Quốc hội thường lệ gồm những đối tượng nào? Công dân có được tham gia vào các kỳ họp Quốc hội không? Quốc hội thường lệ được tổ chức bao nhiêu kỳ trong năm? (Thanh Khang - Long An)

Kỳ họp Quốc hội thường lệ được tổ chức bao nhiêu kỳ trong năm?

Căn cứ Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về kỳ họp Quốc hội như sau:

Kỳ họp Quốc hội

1. Quốc hội họp công khai.

Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.

2. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.

Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.

3. Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp Quốc hội theo thủ tục quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, tại Điều 3 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 có quy định về khai mạc kỳ họp Quốc hội như sau:

Khai mạc, bế mạc kỳ họp Quốc hội

1. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20 tháng 5; kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20 tháng 10. Trường hợp ngày 20 tháng 5 và ngày 20 tháng 10 trùng vào ngày thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp vào các thời điểm nêu trên thì ngày khai mạc kỳ họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước quyết định chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội.

Ngày khai mạc kỳ họp cuối nhiệm kỳ và kỳ họp bất thường của Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

2. Chủ tịch Quốc hội khai mạc và bế mạc kỳ họp. Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc kỳ họp.

3. Trước khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc và sau khi Chủ tịch Quốc hội bế mạc kỳ họp, Quốc hội làm lễ chào cờ. Tại lễ chào cờ, quân nhạc cử Quốc thiều, đại biểu Quốc hội và những người tham dự hát Quốc ca.

Theo quy định trên thì kỳ họp Quốc hội thường lệ được tổ chức hai kỳ một năm:

- Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20 tháng 5;

- Kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20 tháng 10.

Trường hợp ngày 20 tháng 5 và ngày 20 tháng 10 trùng vào ngày thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp.

Kỳ họp Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp Quốc hội theo thủ tục quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Những đối tượng nào được mời tham gia kỳ họp Quốc hội thường lệ? (Hình từ internet)

Những đối tượng được mời tham gia kỳ họp Quốc hội thường lệ gồm những đối tượng nào?

Căn cứ Điều 8 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 quy định về người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội như sau:

Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan do Quốc hội thành lập không phải là đại biểu Quốc hội được mời tham dự các kỳ họp Quốc hội; có trách nhiệm tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý hoặc phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội.

2. Khách mời danh dự trong nước, quốc tế do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về khách mời danh dự quốc tế trước khi báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Theo quy định thì những đối tượng được mời tham gia kỳ họp Quốc hội thường lệ gồm:

(1) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

(2) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

(3) Thành viên Chính phủ;

(4) Tổng Kiểm toán nhà nước;

(5) Người đứng đầu cơ quan do Quốc hội thành lập không phải là đại biểu Quốc hội.

Người được mời tham sự kỳ họp Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách.

Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý hoặc phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội.

Công dân có được tham gia các kỳ họp Quốc hội theo quy định hiện nay hay không?

Căn cứ Điều 8 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 quy định như sau:

Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội

...

5. Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.

Bên cạnh đó, tại Điều 93 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 cũng có quy định như sau:

Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội; dự thính tại phiên họp Quốc hội

...

3. Công dân có thể được vào dự thính tại các phiên họp công khai của Quốc hội.

Từ các quy định vừa nếu thì công dân chỉ có thể ược dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội sẽ tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.

(có 1 đánh giá)
Thành Nhân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.250