Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 thì có cần ký lại hợp đồng lao động?

(có 1 đánh giá)

Lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 tăng bao nhiêu phần trăm? Tăng lương tối thiểu vùng có cần ký lại hợp đồng lao động? Nếu trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì bị phạt bao nhiêu?

Lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 tăng bao nhiêu phần trăm?

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP (hết hiệu lực từ 1/7/2024) quy định về mức lương tối thiểu vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

Mức lương tối thiểu vùng mới được quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/7/2024) như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.960.000

23.800

Vùng II

4.410.000

21.200

Vùng III

3.860.000

18.600

Vùng IV

3.450.000

16.600

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 tăng khoảng 6% so với trước.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 có cần ký lại hợp đồng lao động?

Tiền lương được quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Tiền lương

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Theo quy định này thì tiền lương được hiểu là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Cũng theo quy định này thì mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy có thể hiểu, khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương tối thiểu theo công việc hoặc chức danh cũng sẽ tăng.

Do đó, sẽ có hai trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 01: Nếu lương cơ bản đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới thì công ty không bắt buộc phải tăng lương cho người lao động và các bên không cần ký lại hợp đồng lao động.

Trường hợp 02: Nếu lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới thì công ty phải tăng lương cơ bản cho người lao động lên ít nhất bằng lương tối thiểu vùng mới. Khi đó nếu hai bên không thỏa thuận về việc ký thêm phụ lục hợp đồng thì buộc các bên phải ký lại hợp đồng lao động.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 thì có cần ký lại hợp đồng lao động?

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 thì có cần ký lại hợp đồng lao động? (Hình từ Internet)

Trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì bị phạt bao nhiêu?

Vi phạm quy định về tiền lương được quy định tại Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Vi phạm quy định về tiền lương

...

3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

...

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Đồng thời theo Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

...

Như vậy, nếu người sử dụng lao động (là cá nhân) trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì bị xử phạt hành chính như sau:

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt sẽ nhân hai cho cùng hành vi.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.105 
Việc làm mới nhất