Trách nhiệm hình sự của người gây ra tai nạn giao thông

Rất nhiều người dân thường nhầm lẫn về việc nếu gây ra tai nạn giao thông nhưng khắc phục hậu quả kịp thời cũng như là thỏa thuận thành công với người bị hại thì sẽ chỉ bị phạt hành chính mà không truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trên thực tế tùy vào trường hợp cần phải căn cứ mức độ gây tai nạn thiệt hại xảy ra mà truy cứu trách nhiệm phù hợp chứ đây không phải loại tội phạm chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây tai nạn giao thông cần căn cứ hai yếu tố đó là:

Lỗi (lỗi được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định).

Thiệt hại xảy ra (tính dựa trên thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản).

Điều 260 bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có quy định như sau:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, khi gây ra tai nạn giao thông tùy thuộc vào mức độ lỗi cũng như là thiệt hại gây ra căn cứ vào Điều 260, Bộ Luật hình sự 2015 nếu rơi vào một trong các trường hợp đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và sẽ phải chịu mức phạt nặng hơn tùy theo mức độ vi phạm. Việc chủ động bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với người bị hại chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đối với các vụ tai nạn giao thông có người bị thương, thì bắt buộc phải giám định tỷ lệ thương tật để xác định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân.

Sau khi giám định tỉ lệ thương tật thì phải xác định tỉ lệ thương tật căn cứ theo Điều 4 Thông tư số 20/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về Phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể. Tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức độ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bị tai nạn là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Theo Quỳnh Ny
2.598