Cách khắc phục hậu quả khi gặp sự cố trong một buổi phỏng vấn

Phỏng vấn thành công chính là chìa khóa giúp bạn đường đường chính chính bước chân vào công ty và vị trí ứng tuyển mà bạn mong muốn. Tuy nhiên dù chuẩn bị kỹ càng đến đâu thì các buổi phỏng vấn ít nhiều gặp vài sự cố nhỏ ngoài tầm kiểm soát. Vậy nên bạn cần phải bỏ túi vài mẹo dưới đây để khắc phục hậu quả khi mắc sai lầm trong một buổi phỏng vấn.

Trường hợp 1: Trễ giờ phỏng vấn

Trễ hẹn thời gian phỏng vấn là điều tối kỵ trong các buổi phỏng vấn tìm việc làm. Một cuộc hẹn không đúng giờ cũng đủ để nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người thiếu chuyên nghiệp, không có trách nhiệm và nặng hơn có thể cho bạn “out” ngay từ giây phút ấy. Mặc dù không ai khuyến khích việc đi trễ tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến việc này và điều bạn cần làm là khắc phục nó tốt nhất có thể.

Trường hợp bạn biết mình đi trễ và có thể cứu vớt được thì hãy nhanh chóng cầm điện thoại lên gọi ngay cho nhà tuyển dụng để thông báo cho việc đi trễ của mình. Chìa khóa là hãy trình bày ngắn gọn súc tích nguyên nhân đi trễ và thời gian định lượng bạn đến trễ. Ghi nhớ là hãy thể hiện sự thành khẩn và đừng quên nói lời xin lỗi về sự cố cũng như cảm ơn nhà tuyển dụng đã thông cảm cho mình.

Trường hợp đi trễ không thể cứu vớt được nữa là trường hợp khó nhằn và tỉ lệ cơ duyên bạn được tiếp nhận công việc này là bằng không. Tuy nhiên vẫn có một số cách cứu vớt có thể hữu hiệu nếu bạn thật sự yêu thích công việc này như: Hãy gửi một email xin lỗi và xin một cơ hội thứ hai với những từ ngữ và lý do thích hợp, hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm của bạn. Việc làm nhỏ nhoi này có thể nhà tuyển dụng sẽ suy nghĩ lại mời bạn đến phỏng vấn hoặc ít ra bạn sẽ không bị vào “blacklist” của công ty và dĩ nhiên cơ hội cho lần sau vẫn còn.

Trường hợp 2: Bạn không nghiên cứu kỹ về công ty trước đó

Một cuộc phỏng vấn luôn là cơ hội để bạn thể hiện bản thân hiểu biết về công ty bạn đang ứng tuyển. Tuy nhiên không phải sự chuẩn bị nào cũng hoàn hảo, khi bạn cảm thấy bản thân trả lời quá mơ hồ hay tự đánh giá được rằng câu trả lời chưa thật sự làm nhà tuyển dụng hài lòng thì cũng đừng quá lo lắng mà hãy tập trung đào sâu, khai thác về vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển. Hãy nói về công việc chính của vị trí này cũng như bạn đóng góp được gì hay kinh nghiệm của bạn sẽ giúp ích công ty như thế nào khi bạn được làm việc tại đây. Điều này thể hiện bạn là người khéo léo chuyên nghiệp, có thể ứng phó được với tình huống khó và sẽ giúp bạn ghi điểm tuyệt đối trong mắt nhà tuyển dụng.

Trường hợp 3: Bạn không có câu hỏi nào dành ngược lại cho nhà phỏng vấn

Thông thường trước khi kết thúc một buổi phỏng vấn nhà tuyển dụng thường hỏi bạn rằng liệu có thắc mắc hay có câu hỏi nào dành cho họ hay không. Nhưng không phải ai cũng chuẩn bị các câu hỏi để thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thật sự quan tâm công ty cũng như là có kiến thức trong lĩnh vực mà bạn đang ứng tuyển. Nếu rơi vào thế khó bạn hãy đặt ra một ít câu hỏi cơ bản nhất như là: Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau như thế nào; Điều gì ở công ty mà nhân viên đánh giá cao nhất?...

Hoặc nếu thật sự không nghĩ ra được câu trả lời nào trong đầu thì bạn có thể khắc phục lỗi sai trước đó chẳng hạn: “ Hiện tại tôi thấy mình không có thắc mắc gì về các chính sách mà quý công ty đã nêu trước đó tuy nhiên ở câu hỏi … quan điểm của tôi có phần chưa thể hiện rõ tôi xin trình bày bổ sung…” Việc khắc phục lỗi những câu hỏi bạn tự cho rằng mình trả lời chưa ưng ý lắm trước đó cũng là một cách chữa cháy hữu hiệu.

Ai khi đi phỏng vấn cũng sẽ mắc một số sai lầm dù lớn hay nhỏ tuy nhiên đừng lo lắng mà hãy bình tĩnh xử lý khéo léo thì bạn vẫn còn cơ hội. 03 tình huống trên phần nào sẽ giúp bạn ứng biến để có thể hoàn thành một buổi phỏng vấn tốt đẹp hơn.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.499